Khủng bố sinh học
“Vũ khí sinh học” một cụm từ có thể làm chúng ta ớn lạnh. Vũ khí sinh học liên quan đến việc sử dụng chất độc hoặc tác nhân lây nhiễm có nguồn gốc sinh học có thể bao gồm vi khuẩn, vi rút, nấm hoặc độc tố. Những tác nhân này được sử dụng để vô hiệu hóa hoặc giết chết con người, động vật hoặc thực vật như một phần của nỗ lực chiến tranh.
Lịch sử của chiến tranh sinh học là một quá trình lâu dài gắn với lịch sử loài người. Vào năm 1346, các chiến binh Tartar (Mông Cổ) đã bao vây thành phố Kaffa. Trong cuộc bao vây, nhiều người Tartar đã chết do bệnh dịch hạch, và những thi thể nhiễm bệnh của họ bị ném qua các bức tường của thành phố. Một số nhà nghiên cứu tin rằng việc này có thể là nguyên nhân gây ra sự lây lan của bệnh dịch hạch “Cái chết Đen” vào châu Âu.
Năm 1763, Quân đội Anh đã cố gắng sử dụng bệnh đậu mùa làm vũ khí chống lại người Mỹ bản địa trong Cuộc vây hãm Pháo đài Pitt. Người Anh đã dùng những chiếc chăn từ bệnh viện điều trị đậu mùa để truyền bệnh cho người dân địa phương.
Trong Thế chiến II, các bên tham chiến đã dành sự quan tâm lớn đến khả năng sử dụng vũ khí sinh học. Phe đồng minh đã xây dựng các cơ sở có khả năng sản xuất hàng loạt bào tử bệnh than, bệnh brucella và độc tố Botulinum. Rất may, chiến tranh đã kết thúc trước khi chúng được sử dụng. Người Nhật là những người sử dụng vũ khí sinh học nhiều nhất, họ đã thả những quả bom gốm chứa đầy bọ chét mang bệnh dịch hạch xuống Ninh Ba, Trung Quốc; đầu độc hơn 1.000 giếng nước ở các ngôi làng Trung Quốc để nghiên cứu các đợt bùng phát dịch tả và sốt phát ban. Một số dịch bệnh mà chúng gây ra vẫn tồn tại trong nhiều năm và tiếp tục giết chết hơn 30.000 người vào năm 1947, rất lâu sau khi quân Nhật đầu hàng. Đó là những ví dụ điển hình cho những tác hại tiềm ẩn, đơn giản nhưng khó đoán khi xảy ra chiến tranh sinh học.
Nhận thức rõ sự nguy hại của vũ khí sinh học, các quốc gia đã thông qua Nghị định thư về việc cấm sử dụng trong chiến tranh các khí ngạt, khí độc hoặc khí khác và các phương pháp chiến tranh vi khuẩn (Nghị định thư Geneva) năm 1925, sau đó là Công ước về Cấm phát triển, sản xuất và tàng trữ vũ khí vi khuẩn (sinh học) và độc tố cũng như việc tiêu hủy chúng (BWC) năm 1972.
Hiện nay, mặc dù nguy cơ sử dụng vũ khí sinh học trong chiến tranh ngày càng giảm, nhưng một vấn đề đang nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng quốc tế là khủng bố sinh học. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) định nghĩa khủng bố sinh học là “việc cố ý giải phóng vi rút, vi khuẩn hoặc vi trùng khác có thể gây bệnh hoặc giết chết người, gia súc hoặc cây trồng”. Điều này có thể đạt được bằng một số cách, chẳng hạn như: thông qua bình xịt khí dung; sử dụng thiết bị nổ; qua thức ăn hoặc nước uống; hấp thụ hoặc tiêm vào da. Bởi vì một số tác nhân gây bệnh kém mạnh mẽ hơn những mầm bệnh khác, loại tác nhân gây bệnh được sử dụng sẽ xác định cách nó có thể được triển khai.
Khủng bố sinh học – Mối quan tâm hiện đại
Việc sử dụng vũ khí sinh học có sức hấp dẫn lớn đối với những kẻ khủng bố vì vũ khí sinh học có khả năng gây hại lớn trong khi chi phí sản xuất lại tương đối rẻ khi so sánh với tên lửa hoặc các thiết bị công nghệ cao khác. Ngoài ra, vũ khí sinh học có thể được “kích nổ” và cần nhiều thời gian để phát tán và phát huy tác dụng nên thủ phạm có nhiều thời gian để trốn thoát mà không bị phát hiện. Vũ khí sinh học có thể khó kiểm soát hoặc dự đoán trong tình huống chiến trường, vì có nguy cơ đáng kể là quân đội của cả hai bên sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu một kẻ khủng bố quan tâm đến việc tấn công một mục tiêu ở xa với tư cách là một kẻ hành động đơn độc, thì khủng bố sinh học mang lại ít rủi ro hơn cho kẻ đó.
Có nhiều loại tác nhân khác nhau được coi là tác nhân tiềm năng làm cho một cuộc khủng bố sinh học ví dụ như: bệnh dịch hạch, bệnh sốt thỏ, bệnh brucella, dịch tả, sốt Q, bệnh thủy đậu, viêm não do arbovirus, sốt xuất huyết do vi rút, độc tố ruột tụ cầu B… Các chuyên gia tin rằng, vi khuẩn gây bệnh than (Bacillus anthracis) là tác nhân có khả năng cao được sử dụng trong một cuộc tấn công khủng bố sinh học là. Nó được tìm thấy rộng rãi trong tự nhiên, dễ dàng sản xuất trong phòng thí nghiệm và tồn tại trong một thời gian dài trong môi trường. Mặc dù không thể lây lan từ người sang người, nhưng có khả năng nhắm mục tiêu cao. Ngoài ra, nó rất linh hoạt và có thể được giải phóng ở dạng bột, thuốc xịt, nước hoặc thức ăn. Bệnh than đã được sử dụng để khủng bố trước đây, năm 2001, bào tử bệnh than đã được gửi qua hệ thống bưu chính Mỹ. Tổng cộng, 22 người mắc bệnh than và 5 người trong số họ đã chết, nhưng các nhà chức trách Mỹ đã không tìm ra kẻ khủng bố.
Những bước tiến của khoa học công nghệ hiện đại trong lĩnh vực sinh học đã mang đến những lo lắng mới. Một số chuyên gia lo ngại về những tiến bộ gần đây trong công nghệ chỉnh sửa gen. Khi được sử dụng đúng mục đích, các công cụ mới nhất có thể mang lại hiệu quả kỳ diệu. Tuy nhiên, như với hầu hết các công nghệ tiên tiến nhất, nó luôn có khả năng bị lạm dụng.
Công nghệ chỉnh sửa gen
Một công nghệ chỉnh sửa gen có tên CRISPR đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với các chuyên gia trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng. Công nghệ này cho phép các nhà nghiên cứu chỉnh sửa bộ gen, từ đó dễ dàng sửa đổi trình tự DNA để thay đổi chức năng của gen. Trong tay người tốt, công cụ này có khả năng sửa chữa các khiếm khuyết di truyền và điều trị bệnh. Tuy nhiên, trong tay kẻ xấu, nó có khả năng gây ra tội ác. Công nghệ CRISPR đang trở nên rẻ hơn để vận hành và do đó dễ tiếp cận hơn đối với những cá nhân có khuynh hướng khủng bố sinh học. Với các thế hệ công nghệ tương tự CRISPR trong tương lai và kiến thức tiên tiến về di truyền học, sẽ không có điểm dừng về mặt lý thuyết đối với sự đau khổ có thể gây ra. Chẳng hạn, có khả năng tạo ra các chủng bệnh kháng thuốc hoặc các loại bọ kháng được thuốc trừ sâu, có khả năng quét sạch cây trồng chủ lực của một quốc gia.
Một đột phá khác là công nghệ in 3D, nó có bước tiến lớn vào lĩnh vực sinh học. Thường được gọi là “máy in sinh học”, việc sử dụng máy in 3D và vật liệu sinh học đã tạo ra một số đột phá khoa học quan trọng. Mặc dù hiện tại máy in 3D không thể in vi khuẩn hoặc vi rút sống chỉ bằng cách sử dụng DNA có sẵn ở định dạng kỹ thuật số, nhưng với những tiến bộ trong lĩnh vực sinh học tổng hợp các máy in sinh học có thể dễ dàng tạo ra các vi rút hoặc vi khuẩn. Với việc chi phí của công nghệ sinh học tổng hợp và máy in 3D đã hạ thấp đáng kể, các nhà khoa học có thể tải một nucleotide vào một “máy in sinh học” để tạo ra một bộ gen hoặc thiết kế chuỗi gen trên máy tính và gửi mã đến một nơi khác (bất kỳ nơi nào có internet). Tượng tự công nghệ chỉnh sửa gen, công nghệ này có thể bị lạm dụng, khi nằm trong tay các nhà khoa học chân chính nó có thể tạo ra một loại thuốc hoặc vắc-xin cứu mạng con người, nhưng cũng có thể cho phép những kẻ khủng bố tiến hành khủng bố sinh học vì thông tin về DNA của các mầm bệnh đã sẵn có trên các nguồn mở.
Máy in sinh học in trái tim từ tế bào của con người
Công nghệ sinh học đã phát triển với một tốc độ đáng kinh ngạc trong hai mươi năm đầu tiên của thế kỷ XXI. Các công cụ công nghệ sinh học mới nổi đã trở nên rẻ hơn và dễ tiếp cận hơn bao giờ hết, và cần ít chuyên môn hơn để sử dụng những công cụ đó một cách hiệu quả. Các nhà sinh vật học nghiệp dư giờ đây có thể đạt được những kỳ tích mà cho đến gần đây, ngay cả những chuyên gia hàng đầu trong các phòng thí nghiệm hàng đầu cũng không thể làm được. Sự phát triển của công nghệ sinh học này sẽ mang lại một loạt thay đổi đáng kinh ngạc đối với xã hội, nền kinh tế và an ninh của chúng ta. Công nghệ sinh học mới nổi sẽ tạo ra các loại thuốc và kỹ thuật y tế mới, hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động và lây lan của mầm bệnh (và do đó hiểu rõ hơn về cách chống lại chúng), dân số khỏe mạnh hơn, các khả năng sáng tạo mới có thể thay đổi cuộc sống hàng ngày và gắn kết nhiều hơn với các khoa học sinh học. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận nhiều hơn với các công cụ công nghệ sinh học mạnh mẽ nhưng rẻ tiền và nhu cầu chuyên môn vận hành các công cụ đó giảm đi cũng khiến các tác nhân độc hại dễ dàng sử dụng công nghệ đó cho mục đích xấu. Các nhóm khủng bố có thể sử dụng sinh học tổng hợp để chế tạo vũ khí sinh học, sử dụng dữ liệu để tạo ra mầm bệnh nguy hiểm hoặc sửa đổi mầm bệnh dễ tiếp cận để khiến chúng trở nên độc hại hơn.
Nhận thức rõ vai trò của công nghệ sinh học, ngày 30/01/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bển vững đất nước trong tình hình mới nhằm tạo điều kiện để phát triển công nghệ sinh học. Không thể phủ nhận vai trò của công nghệ sinh học đối với đời sống kinh tế xã hội, an ninh – quốc phòng nước ta, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức nhất là đối với công tác phòng, chống khủng bố và phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Để đảm nhận tốt vai trò Cơ quan giúp việc của Cơ quan thường trực Cơ quan đầu mối quốc gia về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (Cơ quan thường trực 81), Trung tâm 81 tập trung thực hiện tốt các nội dung như sau:
Một là, đẩy mạnh tham mưu tăng cường quản lý các tác nhân sinh học: Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành và địa phương cần hợp tác chặt chẽ trong quản lý các tác nhân sinh học gây bệnh không chỉ cho người mà còn cho động vật, thực vật tránh để cho các đối tượng khủng bố có cơ hội sở hữu, phát triển và sử dụng các tác nhân này tiến hành khủng bố sinh học cũng như phổ biến vũ khí sinh học; quản lý tốt các trang thiết bị liên quan đến nuôi cấy, sản xuất và triển khai tác nhân sinh học, đặc biệt là các trang thiết bị lưỡng dụng.
Hai là, tiếp tục thúc đẩy tham mưu về hoàn thiện khung pháp lý: Mặc dù Việt Nam đã nội luật hóa nhiều nội dung trong Nghị định thư Geneva năm 1925 và BWC trong luật pháp Việt Nam, nhưng hệ thống pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực sinh học vẫn còn một số bất cập, hạn chế, chưa đồng bộ. Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật mới và các quy trình, quy tắc nghề nghiệp để điều chỉnh hành vi của các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học vì mục đích hòa bình, phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng; khắc phục các kẽ hở pháp lý để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi lợi dụng nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học để thực hiện âm mưu, ý đồ, hoạt động khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trong đó, Trung tâm 81 tập trung tham mưu với Thủ trưởng Cơ quan thường trực 81 về hoàn thiện khung pháp lý trong phòng, chống phổ biến vũ khí sinh học và thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền: Tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phương thức để cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hiểu về tác hại của vũ khí sinh học, khủng bố sinh học từ đó có được sự đồng thuận, ủng hộ và phối hợp của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống khủng bố sinh học và phòng, chống phổ biến vũ khí sinh học.
Bốn là, thực hiện tốt hợp tác quốc tế trong phòng, chống phổ biến vũ khí sinh học: Tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới trong phòng, chống phổ biến vũ khí sinh học, đặc biệt là trong hoàn thiện khung pháp lý; học tập, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong đánh giá và giải quyết các rủi ro lạm dụng hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học từ đó tham mưu các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, đúng pháp luật.
Thượng úy, ThS. Nguyễn Văn Vương, Trung tâm 81/BCHH