CƠ QUAN ĐẦU MỐI QUỐC GIA VIỆT NAM
VỀ PHÒNG, CHỐNG PHỔ BIẾN VŨ KHÍ HỦY DIỆT HÀNG LOẠT

CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC 81

Hội thảo Khung pháp lý về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của Việt Nam

Tiếp nối chuỗi các hoạt động tư vấn hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) của Việt Nam, ngày 20-21/6/2023 tại Hà Nội, Binh chủng Hóa học – Cơ quan thường trực của Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (Cơ quan thường trực 81) đã phối hợp với Chương trình Kiểm soát xuất khẩu và An ninh biên giới/Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (Chương trình EXBS) và Chương trình Kiểm soát xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng khu vực Đông Nam Á/Liên minh châu Âu (EU P2P) tổ chức Hội thảo Khung pháp lý về phòng, chống phổ biến WMD của Việt Nam. Hội thảo nhằm đánh giá kết quả khảo sát khung pháp lý về phòng, chống phổ biến WMD của Việt Nam.

Hội thảo có sự góp mặt của 30 đại biểu là đại diện đến từ Cục Hóa chất, Cục Xuất nhập khẩu/Bộ Công thương, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân/Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương/Bộ Y tế, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật/Bộ Tư pháp, Tổng cục Hải quan/Bộ Tài chính, Cục Bảo vệ thực vật/Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vụ các Tổ chức quốc tế/Bộ ngoại giao, Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam, Cơ quan thường trực 81, các chuyên gia của Chương trình EXBS và EU P2P.

Hình 1. Các đại biểu tham dự hội thảo.

Tại Hội thảo, đại diện đến từ các Bộ, ngành của Việt Nam đã trình bày kết quả khảo sát hệ thống pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực chống phổ biến vũ khí hóa học, sinh học, hạt nhân, kiểm soát hàng hóa lưỡng dụng liên quan đến phổ biến WMD; đối chiếu, đánh giá hệ thống pháp luật của Việt Nam với các nghĩa vụ được quy định trong Nghị quyết số 1540 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các điều ước quốc tế về phòng, chống phổ biến WMD mà Việt Nam là thành viên (như Công ước Vũ khí hóa học, Công ước Vũ khí sinh học, Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), Công ước về bảo vệ thực thể hạt nhân (CPPNM)) và so sánh các quy định trong hệ thống pháp luật của Việt Nam với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế và các “thực hành tốt nhất” trong lĩnh vực chống phổ biến WMD.

Các chuyên gia của Chương trình EXBS và EU P2P và các đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận thẳng thắn để làm rõ nhiều nội dung trong kết quả khảo sát. Kết quả khảo sát đã chỉ rõ mặc dù còn có các lỗ hổng cần tiếp tục hoàn thiện nhưng về cơ bản hệ thống pháp luật của Việt Nam đáp ứng tốt với các nghĩa vụ và yêu cầu quốc tế mà Việt Nam phải thực hiện, có công cụ pháp lý đảm bảo an toàn cho các hoạt động trong lĩnh vực hóa học, sinh học và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, phát triển kinh tế – xã hội. Việc đánh giá toàn diện hệ thống pháp luật thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Việt Nam nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống phổ biến WMD.

Hình 2. Các đại biểu thảo luận các nội dung.

Từ kết quả đánh giá hệ thống pháp luật của Việt Nam và nội dung được làm rõ trong quá trình thảo luận, các chuyên gia của Chương trình EXBS và EU P2P đã đưa ra nhiều đề xuất, gợi ý các hướng giải quyết các vấn đề nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống phổ biến WMD cho Việt Nam. Các đại biểu từ phía Việt Nam và các chuyên gia đã thảo luận, thống nhất nhiều nội dung quan trọng. Kết quả của Hội thảo là cơ sở quan trọng để Cơ quan thường trực 81 làm việc với các chuyên gia trong và ngoài nước, xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền phương hướng, mục tiêu, lộ trình hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống phổ biến WMD của Việt Nam.

Vương Nguyễn-TT81

Thống kê

  • 0
  • 1,763
  • 438,472

Cổng TTDT Chính phủ

Báo Quân đội nhân dân·