Hội thảo Hướng dẫn xây dựng báo cáo quốc gia thực thi Công ước Vũ khí sinh học (BWC)
Trong hai ngày 18-19/01/2024, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo Hướng dẫn xây dựng báo cáo quốc gia thực thi Công ước Vũ khí sinh học (BWC). Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam diễn ra Hội thảo với nội dung liên quan đến hướng dẫn thực thi Công ước này. Từ năm 2007, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế được giao là cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước BWC, tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Chính vì vậy, Hội thảo lần này có ý nghĩa tiền đề để cán bộ Bộ Y tế và các Bộ, ngành có liên quan tiếp cận và xây dựng các báo cáo, chương trình, Kế hoạch hoạt động trong thời gian tới.
Tham dự Hội thảo có cán bộ đến từ nhiều bộ ngành: Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các chuyên gia đến từ Đơn vị hỗ trợ thực thi Công ước (BWC ISU/UNODA), đại diện Liên minh châu Âu EU, chuyên gia đến từ CHDCND Lào và Philippines. Trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia đã giới thiệu tổng quan kết quả thực thi, tiến trình triển khai thực hiện BWC; hướng dẫn khai báo Báo cáo các Biện pháp xây dựng lòng tin; cung cấp thông tin về các cơ hội hợp tác quốc tế, xây dựng năng lực nhằm tăng cường an ninh sinh học.Trong đó, nội dung trọng tâm là việc xây dựng, hoàn thiện Báo cáo các Biện pháp xây dựng lòng tin (CBM) đầu tiên của Việt Nam.
Công ước Vũ khí sinh học (BWC) có hiệu lực vào ngày 26 tháng 3 năm 1975, là công ước về giải trừ quân bị đa phương đầu tiên cấm sản xuất toàn bộ một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD). Đến nay, Công ước có 185 quốc gia thành viên. Công ước BWC không có chế độ xác minh quốc tế và chưa có tổ chức nào được thành lập để hỗ trợ triển khai thực thi Công ước (thay vào đó, có một đơn vị hỗ trợ triển khai trong Văn phòng Liên hợp quốc về Giải trừ quân bị BWC ISU/UNODA). Hằng năm trước hạn 15/4, các quốc gia thành viên sẽ hoàn thiện Báo cáo các Biện pháp xây dựng lòng tin CBM và gửi về BWC ISU. Báo cáo CBM là công cụ chính thức duy nhất của Công ước BWC nhằm thúc đẩy tính minh bạch và xây dựng lòng tin giữa các Quốc gia thành viên. Việc thực hiện Báo cáo CBM không phải là nghĩa vụ bắt buộc, song lại thể hiện trách nhiệm và cam kết quốc tế của Việt Nam về cấm sản xuất, phát triển, mua lại, chuyển nhượng, tàng trữ và sử dụng vũ khí sinh học nói riêng và vũ khí hủy diệt hàng loạt nói chung.
Kể từ khi gia nhập BWC ngày 20/6/1980, Việt Nam chưa nộp Báo cáo CBM lần nào (Trong năm 2023 mới đây, có 102 quốc gia và vùng lãnh thổ khai báo CBM). Vì vậy, qua nội dung Hội thảo, các chuyên gia Việt Nam đều nhận định cần nhanh chóng, tích cực hoàn thiện Báo cáo CBM đầu tiên của Việt Nam. Việc được hướng dẫn thực hành khai báo Báo cáo CBM thông qua Diễn tập bàn tròn TTX, là kinh nghiệm quý báu để các chuyên gia Việt Nam gấp rút hoàn thiện Báo cáo này tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng giới thiệu về các chương trình đào tạo, khóa tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế sâu rộng trong thời gian tới.
Các chuyên gia Việt Nam đã lĩnh hội được nhiều kinh nghiệm thông qua Hội thảo và sớm trình báo cáo các cấp có thẩm quyền các nội dung trao đổi, đề xuất kiến nghị cụ thể.
Thanh Tùng – CQTT81