Tương lai của Công ước Cấm vũ khí hóa học: Khuyến nghị từ các Tổ chức dân sự để giải quyết các thách thức trong năm năm tới
Báo cáo “Tương Lai của Công ước Vũ khí Hóa học: Khuyến nghị từ cá Tổ chức dân sự cho những thách thức trong năm năm tới” do Liên minh Công ước Vũ khí Hóa học (CWCC) và Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (ACA) công bố vào tháng 6 năm 2025, đánh dấu một cột mốc quan trọng: Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã xác nhận việc tiêu hủy hoàn toàn các kho vũ khí hóa học được khai báo vào năm 2023.
Đạn dược cuối cùng trong kho vũ khí hóa học của Hoa Kỳ, một tên lửa M55 chứa chất độc thần kinh GB, đã bị phá hủy an toàn vào ngày 07/7/2023 tại Nhà máy phá hủy chất độc hóa học Blue Grass ở Kentucky. Sự kiện này đánh dấu việc loại bỏ hoàn toàn hơn 30.000 tấn chất độc hóa học trong kho vũ khí của Hoa Kỳ. (Ảnh của Quân đội Hoa Kỳ)
Báo cáo nhấn mạnh Công ước vũ khí hóa học (CWC), có hiệu lực từ năm 1997, hiện có 193 quốc gia
thành viên, trở thành điều ước giải trừ quân bị có số lượng thành viên đông nhất. Tuy nhiên, bốn quốc gia – Ai Cập, Israel, Triều Tiên và Nam Sudan vẫn chưa tham gia, đặt ra thách thức cho mục tiêu phổ quát hóa Công ước. Các mối thách thức đối với CWC bao gồm việc sử dụng vũ khí hóa học gần đây ở Syria, cáo buộc sử dụng ở Ukraine, Sudan và Iran, cũng như nguy cơ từ các tổ chức phi nhà nước như các tổ chức khủng bố. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI) và các phương pháp sản xuất hóa học mới, càng làm phức tạp hóa việc duy trì lệnh cấm vũ khí hóa học.
Từ những thành tựu đạt được và thách thức đặt ra, Báo cáo đề xuất các hành động cụ thể cho OPCW và các quốc gia thành viên, tập trung vào sáu vấn đề chính: Phổ cập hóa Công ước, đảm bảo tuân thủ, thực thi quốc gia, xác minh và thanh tra, tiến bộ khoa học công nghệ và mối đe dọa từ khủng bố hóa học. Các khuyến nghị cụ thể bao gồm:
- Phổ cập hóa CWC: Tăng cường tiếp cận ngoại giao với bốn quốc gia chưa tham gia (Ai Cập, Israel, Triều Tiên, Nam Sudan), đặc biệt thông qua các diễn đàn như Hội nghị về Khu vực Trung Đông không có vũ khí hủy diệt hàng loạt. Các quốc gia nên nâng cao nhận thức về lợi ích của việc tham gia CWC, như hỗ trợ khẩn cấp và hợp tác công nghệ.
- Đảm bảo tuân thủ: Phát triển các công cụ chống lại thông tin sai lệch, giám sát các vi phạm và thúc đẩy liên kết giữa OPCW với các tổ chức như Tòa Hình sự Quốc tế để xử lý các trường hợp không tuân thủ như các cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria, Ukraine, Sudan và Iran.
- Thực thi quốc gia: Khuyến khích các quốc gia thành viên điều chỉnh luật pháp trong nước phù hợp với CWC, tăng cường hợp tác khu vực, đặc biệt ở châu Phi và đào tạo lực lượng ứng phó khẩn cấp để xử lý cả sự cố công nghiệp và vũ khí hóa học.
- Xác minh và thanh sát: Tăng cường giám sát các hóa chất không nằm trong danh mục, sử dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ thông tin, đồng thời chuẩn hóa các cuộc thanh sátt để duy trì tính minh bạch và hiệu quả.
- Tiến bộ khoa học công nghệ: OPCW cần đầu tư vào nghiên cứu để theo kịp các tiến bộ trong sản xuất hóa học, kỹ thuật sinh học, và trí tuệ nhân tạo. Đề xuất tổ chức diễn đàn khoa học công nghệ hai năm một lần và nâng cao vai trò của Ban Tư vấn Khoa học.
- Chống khủng bố hóa học: OPCW nên điều chỉnh chiến lược để đối phó với các mối đe dọa từ các tổ chức phi nhà nước, tăng cường phối hợp với Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác, đồng thời hỗ trợ xây dựng năng lực pháp lý và ứng phó khủng bố hóa học.
Công ước Cấm vũ khí hóa học đã đạt được những thành tựu lịch sử trong việc loại bỏ vũ khí hóa học trên toàn cầu, nhưng hành trình bảo vệ thế giới khỏi mối đe dọa này vẫn còn nhiều thử thách phía trước. Để duy trì hiệu quả của CWC trong bối cảnh địa chính trị phức tạp và những tiến bộ công nghệ nhanh chóng, sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên, OPCW và các tổ chức quốc tế là điều kiện tiên quyết. Các tổ chức dân sự, với vai trò độc lập và năng động, sẽ tiếp tục đóng góp vào việc nâng cao nhận thức, thúc đẩy trách nhiệm, và hỗ trợ kỹ thuật để củng cố CWC. Với sự cam kết chung và hành động phối hợp, chúng ta có thể đảm bảo rằng CWC không chỉ là một Công ước thành công trong quá khứ mà còn là nền tảng vững chắc cho một tương lai không có vũ khí hóa học, bảo vệ hòa bình và an ninh toàn cầu.
Chi tiết báo cáo tại địa chỉ: https://www.cwccoalition.org/statements-recommendations-reports./.
Tào Thuận TT81 (tổng hợp)