Kỷ niệm một thế kỷ Công ước Geneva: Tuyên bố của OPCW về 100 năm kiểm soát vũ khí hóa học và sinh học
Một trăm năm trước, sau Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, cộng đồng quốc tế đã cùng nhau cấm hiệu quả việc sử dụng khí độc trên chiến trường. Nghị định thư về Cấm sử dụng các loại khí ngạt, khí độc hoặc các loại khí khác và các phương pháp chiến tranh vi khuẩn (Nghị định thư), được ký ngày 17 tháng 6 năm 1925, là phản ứng trước những hậu quả kinh hoàng từ việc sử dụng rộng rãi vũ khí hóa học trong chiến đấu.
Hình 1: Sử dụng vũ khí hóa học trong Chiến tranh Thế giới thứ Nhất
Các quy định cấm của Nghị định thư đánh dấu một bước tiến lớn trong luật pháp quốc tế. Được thiết kế để ngăn chặn sự lặp lại của những kinh hoàng trong Thế chiến thứ Nhất, Nghị định thư cũng đặt nền móng pháp lý cho các biện pháp kiểm soát và giải trừ vũ khí quốc tế trong tương lai. Công ước Vũ khí Hóa học (Công ước), có hiệu lực vào năm 1997, được xây dựng trên nền tảng Nghi định thư bằng cách không chỉ cấm sử dụng mà còn cấm phát triển, sản xuất và dự trữ toàn bộ một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Được hỗ trợ bởi một chế độ giải trừ vũ khí và xác minh toàn diện, mạnh mẽ, việc thực thi Công ước được giám sát bởi Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW), OPCW được thành lập để đảm bảo tuân thủ hoàn toàn lệnh cấm tuyệt đối đối với các vũ khí này.
Hình 2: Lễ ký Công ước Cấm vũ khí hóa học tại Paris, Pháp năm 1993
Kể từ khi thành lập, OPCW đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc chuyển lệnh cấm pháp lý này thành hành động cụ thể và hoàn thành các mục tiêu giải trừ vũ khí được quy định theo Công ước. Với những nỗ lực không ngừng trong việc loại bỏ vũ khí hóa học, OPCW được trao Giải Nobel Hòa bình năm 2013. Năm 2023, việc tiêu hủy toàn bộ các kho dự trữ vũ khí hóa học đã được xác minh hoàn tất – một cột mốc lịch sử trong giải trừ vũ khí. Hiện nay, với 193 quốc gia thành viên, Công ước gần như đã đạt tính phổ quát.
Tuy nhiên, mối đe dọa từ vũ khí hóa học vẫn tồn tại. Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến việc sử dụng chúng ở một số quốc gia. Tại Syria, tình hình đặc biệt nghiêm trọng, một phần quan trọng của chương trình vũ khí hóa học của Syria chưa được khai báo bất chấp nỗ lực của OPCW trong hơn 10 năm. Ngoài ra, OPCW đã ghi nhận việc sử dụng lặp đi lặp lại vũ khí hóa học ở Syria, bao gồm bởi cả các bên nhà nước và phi nhà nước. Trong cuộc chiến ở Ukraine, OPCW đã xác nhận sự hiện diện của các chất kiểm soát bạo loạn trong các mẫu lấy từ các tuyến đối đầu – các chất bị cấm sử dụng như một phương tiện chiến tranh theo Công ước. Đồng thời, những tiến bộ nhanh chóng trong khoa học và công nghệ đang gây ra những lo ngại mới bằng cách có khả năng giảm các rào cản kỹ thuật trong việc tiếp cận và triển khai các hóa chất độc hại.
Hình 3: Chuyên gia OPCW thanh sát vũ khí hóa học tại Syria
Mối đe dọa từ vũ khí hóa học, mà Nghị định thư tìm cách chấm dứt một thế kỷ trước, chưa hề giảm bớt – nó đã chuyển đổi. May mắn thay, khả năng thích ứng vốn có của Công ước đã cho phép OPCW ứng phó hiệu quả với các thách thức hiện nay và sẵn sàng cho những thách thức của ngày mai. Để tôn vinh di sản của Nghị định thư – mà đã khẳng định rằng việc sử dụng vũ khí hóa học “đã bị dư luận chung của thế giới văn minh lên án một cách chính đáng”-cộng đồng quốc tế phải kiên định trong việc theo đuổi một thế giới không còn vũ khí hóa học và giữ vững lập trường không khoan nhượng đối với việc sử dụng chúng. Đây là món nợ vĩnh cửu mà chúng ta phải trả cho tất cả các nạn nhân của vũ khí hóa học.
(Phát biểu của Tổng Giám đốc OPCW, Đại sứ Fernando Arias, tháng 6 năm 2025)
Tào Thuận TT81