CƠ QUAN ĐẦU MỐI QUỐC GIA VIỆT NAM
VỀ PHÒNG, CHỐNG PHỔ BIẾN VŨ KHÍ HỦY DIỆT HÀNG LOẠT

CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC 81

Báo cáo của FATF về “Các thủ đoạn trốn tránh lệnh trừng phạt và Mạng lưới tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt”

Ngày 20 tháng 6 năm 2025, Lực lượng đặc nhiệm tài chính FATF đã công bố Báo cáo “Các thủ đoạn trốn tránh lệnh trừng phạt và Mạng lưới tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt”. Báo cáo chỉ ra rằng, hệ thống tài chính toàn cầu vẫn còn nhiều lỗ hổng lớn, chưa đủ hiệu quả trong việc ngăn chặn hoạt động tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PF).

Mặc dù hành vi PF tiềm ẩn nhiều mối đe dọa nghiêm trọng, nhưng chỉ có 16% các quốc gia thành viên FATF và các Cơ quan khu vực theo mô hình FATF chứng minh được hiệu quả cao trong đánh giá Hiệu quả trực tiếp số 11 (IO 11 – về đánh giá mức độ hiệu quả trong việc thực thi các biện pháp trừng phạt tài chính mục tiêu theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt).

Báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường phối hợp giữa cơ quan nhà nước và khu vực tư nhân nhằm nâng cao mức độ tuân thủ, đẩy mạnh thực thi hiệu quả, đồng thời chủ động ứng phó với nguy cơ các đối tượng lợi dụng lỗ hổng trong hệ thống kiểm soát để thực hiện hành vi PF.

Các mối đe dọa PF và rủi ro toàn cầu

Báo cáo đưa ra phân tích chi tiết về các phương thức và kỹ thuật hiện đại mà các đối tượng đang sử dụng để né tránh các lệnh trừng phạt liên quan đến hành vi PF, bao gồm các lệnh trừng phạt được áp dụng theo Khuyến nghị 7 trong 40 Khuyến nghị của FATF. Báo cáo cũng cung cấp thông tin về các thủ đoạn mà các đối tượng áp dụng nhằm trốn tránh các biện pháp trừng phạt. Hiện nay, các mạng lưới PF có thể tiếp cận nguồn cung ứng hàng hóa, công nghệ và vật liệu lưỡng dụng thông qua hệ thống công ty bình phong và mạng lưới cung ứng phức tạp; đồng thời sử dụng nhiều kênh tài chính khác nhau để tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu.

Dựa trên mối đe dọa tài trợ phổ biến vũ khí toàn cầu hiện nay, báo cáo của FATF nhận định Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (CHDCND Triều Tiên) là quốc gia tiềm ẩn nguy cơ cao nhất. Nhiều tổ chức và cá nhân có liên quan đến chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) của Triều Tiên đang nằm trong diện bị trừng phạt theo các nghị quyết của Liên hợp quốc, vốn được bao hàm trong các Chuẩn mực của FATF. Có hai yếu tố chính làm gia tăng mức độ nghiêm trọng trong việc Triều Tiên tài trợ cho chương trình WMD của mình: Mức độ kết nối tài chính ngày càng mở rộng; và sự đa dạng trong các nguồn thu của quốc gia này.

Các đối tượng bất hợp pháp tăng cường sử dụng các phương thức tinh vi để trốn tránh lệnh trừng phạt và các quy định kiểm soát xuất khẩu. Báo cáo đã chỉ ra bốn hình thức chính được lợi dụng để trốn tránh lệnh trừng phạt, gồm:

– Sử dụng trung gian thanh toán để trốn tránh lệnh trừng phạt,

– Che giấu thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi (BO) để tiếp cận hệ thống tài chính,

– Sử dụng tài sản ảo và các công nghệ khác,

– Lợi dụng lĩnh vực hàng hải và vận tải biển.

Tăng cường phản ứng toàn cầu

Nhằm hỗ trợ các quốc gia đối mặt với những thách thức này, Báo cáo cũng nêu ra những khó khăn trong việc phòng, chống PF và chia sẻ một số kinh nghiệm hay trong thực tiễn, như tăng cường hợp tác giữa khu vực nhà nước và tư nhân nhằm nâng cao hiệu quả chia sẻ thông tin; ban hành các hướng dẫn cảnh báo chi tiết giúp các tổ chức tài chính dễ dàng xác định báo cáo hoạt động và giao dịch đáng ngờ.

Báo cáo cũng cung cấp một bộ chỉ dấu đánh giá rủi ro để giúp các cơ quan quản lý nhà nước và khu vực tư nhân phát hiện hành vi trốn tránh lệnh trừng phạt, như sử dụng công ty bình phong hoặc địa chỉ IP không khớp với vị trí mà khách hàng đã khai báo,…

Phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt vẫn là mối quan ngại nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, Báo cáo được xây dựng nhằm mục đích nâng cao nhận thức về những nguy cơ, thách thức PF, đồng thời đưa ra các biện pháp hỗ trợ tăng cường kiểm soát chống PF. Trước tính chất phức tạp của các chương trình PF và thủ đoạn trốn tránh lệnh trừng phạt, Báo cáo khuyến nghị cần xây dựng biện pháp phối hợp chung, nhất quán và phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế hiện nay.

Nguyễn Thanh Tùng (TT81)

 

Thống kê

  • 0
  • 9,908
  • 1,573,891

Cổng TTDT Chính phủ

Báo Quân đội nhân dân·