Phỏng vấn: “Chúng ta không cần thêm virus”
Trong nhiều thập kỷ, nghiên cứu tăng cường chức năng (Gain-of-Function GoF) là một thuật ngữ kỹ thuật ít được biết đến trong ngành virus học, đề cập đến việc biến đổi các sinh vật để hiểu rõ hơn về các quá trình sinh học. Tuy nhiên, những năm gần đây, cụm từ này đã trở thành tâm điểm toàn cầu, gây ra tranh cãi, chia rẽ chính trị và khiến giới khoa học phải suy xét lại.
Tham gia cuộc trò chuyện này là Giáo sư Simon Wain-Hobson (SWH), giáo sư danh dự về Virus học tại Viện Pasteur, nổi tiếng với việc giải trình tự bộ gen HIV hoàn chỉnh đầu tiên và gần đây hơn là những chỉ trích mạnh mẽ về nghiên cứu tăng cường chức năng nguy hiểm (GoF 2.0). Ông đã thẳng thắn chia sẻ với Zoe Rutherford (ZR) về những thất bại trong việc giám sát, tâm lý học đằng sau khoa học rủi ro và lý do cộng đồng nghiên cứu phải đặt ra những ranh giới rõ ràng.
ZR: Ông định nghĩa sự khác biệt giữa GoF 1.0 và GoF 2.0 như thế nào? Có phải đây chỉ là một khái niệm vô nghĩa, tùy vào cách sử dụng, hay vẫn có những phân định rõ ràng giữa nghiên cứu vì lợi ích y tế cộng đồng (như phát triển vaccine) và những đe dọa tiềm tàng với nhân loại?
SWH: Đây là điểm khởi đầu rất quan trọng. GoF 1.0 đã tồn tại hàng chục năm. Nó chỉ là cách viết ngắn cho các thí nghiệm giúp chúng ta hiểu cách gene và sinh vật hoạt động – bạn thêm một chức năng, rồi xem điều gì xảy ra. Đó là điều vô hại.
GoF 2.0 thì hoàn toàn khác – nó ám chỉ việc cố tình biến đổi virus để khiến chúng lây lan mạnh hơn, gây bệnh nặng hơn, hoặc cả hai. Đó là vượt qua giới hạn. Tôi gọi đó là GoF nguy hiểm.
Mối lo ngại bắt đầu từ giữa những năm 2000 và đặc biệt vào năm 2011, khi Fouchier và Kawaoka công bố nghiên cứu làm cho các chủng cúm gia cầm có thể lây giữa các loài động vật có vú – cụ thể là chồn sương. Đây không phải là rủi ro giả định – họ tạo ra virus không tồn tại trong tự nhiên. Đó không phải lý thuyết, mà là tạo ra các mầm bệnh tiềm tàng gây đại dịch.
Thuật ngữ nghe có vẻ kỹ thuật, nhưng thực tế thì lạnh sống lưng. Đó là lý do vì sao sắc lệnh hành pháp năm 2019 của Mỹ đã dùng đúng từ “GoF nguy hiểm”. Tôi thấy cách gọi đó hoàn toàn chính xác. Người ta hiểu từ “nguy hiểm” – họ không cần bằng tiến sĩ để hiểu hệ quả.
ZR: Ông có nghĩ rằng việc đổi tên thành GoF đã làm nó bớt đáng sợ hơn không?
SWH: Chắc chắn rồi. Trước đây, nó được gọi là nghiên cứu lưỡng dụng đáng lo ngại. Nghe không thân thiện chút nào. Rồi họ đổi tên. Từ ‘tăng cường chức năng’ (Gain-of-function) nghe có vẻ tích cực, phải không? Cứ như thể chúng ta đang tạo ra cái gì đó tốt hơn vậy. Nhưng ngôn ngữ rất quan trọng. Đây không phải là một yêu cầu khoa học cấp thiết – đó chỉ là một chiêu trò quan hệ công chúng. Nó khiến một chủ đề gây tranh cãi trở nên dễ chấp nhận hơn.
ZR: Ông có thấy sự khác biệt nào về loại phương pháp thí nghiệm được thực hiện ở Hoa Kỳ so với các quốc gia khác không? Và liệu các phương pháp an toàn hơn có đang ngày càng được đánh giá cao hơn?
SWH: Không. Các kỹ thuật phần lớn giống nhau. Điều khác biệt là sự giám sát và môi trường chính trị. Fouchier và Kawaoka đã làm việc với nguồn tài trợ của Hoa Kỳ, và các phòng thí nghiệm của Trung Quốc đã tiếp tục với các thí nghiệm tương tự. Vì vậy, đây không phải là vấn đề địa lý, đó là vấn đề mang tính hệ thống. Khoa học không thay đổi quá nhiều theo quốc gia, nhưng ý chí chính trị để quản lý mới là biến số lớn – và đây là điều đáng lo ngại.
ZR: Có nghiên cứu GoF 2.0 thành công nào đã giúp chúng ta ngăn chặn đại dịch chưa?
SWH: Hoàn toàn không có. Đó là điều tưởng tượng lớn. GoF 2.0 đã tạo ra các mô hình lý thuyết và rất nhiều tiêu đề nhưng không có bất kỳ bước đột phá thực sự nào trong việc dự đoán hoặc ngăn chặn đại dịch. Nó không đóng góp gì đáng kể vào chuẩn bị ứng phó khẩn cấp hay tăng khả năng chống chịu dịch bệnh. Giới khoa học thường nói “nghiên cứu này có thể giúp hiểu virus tương lai”, nhưng thực ra họ đang biện minh cho các đề xuất xin tài trợ. Đó là sự trì trệ của thể chế – và rất nguy hiểm.
ZR: Nếu nó không giúp ích gì, tại sao nó vẫn tiếp tục?
SWH: Bởi vì nó dễ dàng. Nó dễ dàng được tài trợ, dễ dàng được xuất bản và có lợi cho sự nghiệp. Các phòng thí nghiệm giống như những doanh nghiệp nhỏ – họ cần tài trợ để tồn tại. Nếu bạn giới thiệu công việc của mình có liên quan đến đại dịch, bạn có nhiều khả năng được tài trợ hơn. Cũng có một uy tín ngầm khi nói, “Tôi đang làm việc với một thứ gì đó có thể cứu nhân loại”. Nhưng đó chỉlà vận động hành lang đội lốt khoa học.
ZR: Chúng ta có đang chứng kiến một hệ thống đạo đức kép không – tức là một số quốc gia giám sát nghiêm ngặt, còn các quốc gia khác thì ít hơn?
SWH: Một phần đúng. Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở sự khác biệt giữa phương Đông so với phương Tây. Ngay cả ở các quốc gia có cấu trúc giám sát, như Vương quốc Anh hoặc Hoa Kỳ, việc thực thi thường yếu kém. Các ủy ban an toàn sinh học của các viện nghiên cứu đôi khi đánh giá công việc của chính đồng nghiệp, của những người họ quen biết, những người mà phòng thí nghiệm của họ phụ thuộc vào nguồn tài trợ. Đó là một xung đột lợi ích lớn.
Chúng ta cũng có Công ước Vũ khí Sinh học và Độc tố, lẽ ra phải đóng một vai trò nào đó, nhưng về cơ bản đang bị bế tắc. Nhiều quốc gia không mặc mà với các khuôn khổ đạo đức sinh học của phương Tây, nên hệ thống trở nên rời rạc, thiếu thống nhất. Một số người gọi đó là tiêu chuẩn kép. Tôi gọi đó là nguy hiểm.
ZR: Có nỗ lực toàn cầu nào đang được xây dựng để đánh giá rủi ro – lợi ích của GoF không? Có động lực nào cho cách tiếp cận an toàn hơn không?
SWH: Tại Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) thì có, nhưng quốc tế thì không. Không có cơ chế nhất quán nào giữa các quốc gia. Đó là lý do tại sao tôi nói gánh nặng thuộc về một số ít quốc gia phải đi đầu. Nếu Hoa Kỳ và các cường quốc châu Âu áp dụng các tiêu chuẩn mạnh mẽ, có thể thực thi, các quốc gia khác cuối cùng có thể làm theo. Nhưng hiện tại, khoảng trống đó đang bị lấp bởi sự dễ dãi của thể chế và tham vọng khoa học.
Người ta đang nói nhiều hơn về cách tiếp cận an toàn, nhưng nói không đồng nghĩa với hành động. Chúng ta vẫn có các phòng thí nghiệm mày mò với mầm bệnh trong các cơ sở BSL-3, những nơi không an toàn tuyệt đối. Hãy nhìn vào Covid, sau 5 năm, chúng ta vẫn chưa loại trừ dứt khoát nguồn gốc từ phòng thí nghiệm. Đó không phải là một dấu hiệu tốt.
Rồi còn niềm tin sai lầm rằng các mô hình phòng thí nghiệm có thể mô phỏng những gì xảy ra trong tự nhiên. Chúng không thể. Bạn có thể chứng minh rằng một loại virus mèo lây nhiễm tế bào người trong đĩa petri, nhưng điều đó không có ý nghĩa gì đối với chính sách y tế công cộng. Nó không mang tính dự đoán cũng không mang tính phòng ngừa. Đó là một ngõ cụt khoa học.
ZR: Còn sắc lệnh hành pháp gần đây của Tổng thống Trump thì sao – liệu nó có giúp ích gì không?
SWH: Thực ra, điều đó không phải do chính Trump thúc đẩy, mà bởi giám đốc mới của NIH, người đã nhìn thấy mối nguy hiểm và muốn có sự thay đổi thực sự. Điểm mấu chốt là nó dự định trở thành luật, điều này rất quan trọng. Dưới thời Obama, chúng ta đã có một lệnh cấm, nhưng nó đã bị đảo ngược chỉ bằng một nét bút. Mặt khác, luật cần có cuộc bỏ phiếu của quốc hội để bãi bỏ.
Không may, vì nó liên quan đến chính quyền của Trump, một số người theo chủ nghĩa cấp tiến có thể cố gắng đảo ngược nó vì lý do chính trị. Đó sẽ là một sai lầm. Mầm bệnh không quan tâm ai đang nắm quyền.
ZR: Các nhà khoa học có cảm thấy thoải mái với sự giám sát không?
SWH: Không hẳn. Nhiều người thấy nó đe dọa. Có một niềm tin ăn sâu vào tự do học thuật, kiểu như “đừng nói cho tôi biết tôi có thể hay không thể nghiên cứu gì”. Nhưng GoF nguy hiểm không chỉ là một vấn đề học thuật, đó là vấn đề an toàn công cộng. Chúng ta quản lý vật liệu hạt nhân. Chúng ta quản lý chất độc. Tại sao không quản lý điều này?
Tôi cũng nhận thấy rằng các nhà khoa học không thích sự minh bạch khi nó chống lại họ. Họ thích một thông cáo báo chí tốt để công bố một bước đột phá, nhưng nếu bạn hỏi về các sai sót an toàn hoặc rò rỉ phòng thí nghiệm, đột nhiên họ nói, “không bình luận – hãy nói chuyện với nhóm truyền thông của chúng tôi”. Đó không phải là cách xây dựng lòng tin.
ZR: Vậy làm thế nào để chúng ta xây dựng lại lòng tin giữa các nhà khoa học và công chúng?
SWH: Rất chậm rãi và với nhiều sự khiêm tốn. Chúng ta cần nhiều nhà khoa học hơn có thể giao tiếp như Isaac Asimov hoặc Richard Feynman, những người có thể giải thích không chỉ những gì họ đang làm, mà còn tại sao điều đó lại quan trọng. Quá thường xuyên, chúng ta nói chuyện với mọi người một cách kiêu căng hoặc nhấn chìm họ trong biệt ngữ. Đó không phải là sự minh bạch, đó là sự né tránh.
Chúng ta cũng cần các nhà khoa học thừa nhận sự không chắc chắn và sai lầm. Covid đã chứng minh rằng thông tin luôn thay đổi, nhưng quá nhiều chuyên gia đã cố chấp. Họ ngừng lắng nghe và chỉđưa ra những tuyên bố thay vì đối thoại. Điều đó đã tạo ra một khoảng trống, nơi các thuyết âm mưu và thông tin sai lệch tràn vào.
ZR: Ông có nghĩ công chúng hiểu sự khác biệt giữa GoF thông thường và GoF nguy hiểm không?
SWH: Nếu bạn giải thích rõ ràng thì có. GoF 1.0 tức là việc điều chỉnh gen để giúp hiểu virus hoặc phát triển vắc-xin, thì không sao cả. Đó là khoa học. Nhưng GoF 2.0, nơi bạn làm “nóng” một loại virus hoặc tạo ra một loại mới để xem điều gì xảy ra thì không ổn. Hãy nói với công chúng, “chúng ta sẽ không tạo ra các mầm bệnh mới. Chúng ta sẽ không làm cho những loại virus chúng ta đã có trở nên nguy hiểm hơn.” Họ sẽ nói, “tốt.” Đơn giản vậy thôi.
ZR: Ông nói gì về lập luận rằng việc dừng lại loại nghiên cứu này sẽ làm khoa học đi lùi?
SWH: Đó là một chiến thuật hù dọa. Hầu hết các tiến bộ khoa học không đến từ việc tạo ra các mầm bệnh có rủi ro cao. Nó đến từ nghiên cứu cơ bản, dữ liệu tốt và tư duy rõ ràng. Chúng ta không giải mã bộ gen HIV bằng cách làm cho nó dễ lây nhiễm hơn. Nó được thực hiện thông qua việc giải trình tự và phân tích có phương pháp.
Nói rằng chúng ta cần tạo ra một siêu vi khuẩn để ngăn chặn một siêu vi khuẩn giống như nói rằng chúng ta cần đốt cháy để hiểu về hành vi đốt phá. Đó là lập luận sai lầm, dựa trên cái tôi hơn là bằng chứng.
ZR: Động lực tâm lý đằng sau loại nghiên cứu này là gì? Tại sao lại làm cho mầm bệnh trở nên nguy hiểm hơn?
SWH: Một phần là sự tò mò, một phần là cái tôi. Có điều gì đó hấp dẫn khi trở thành người hiểu biết về mối đe dọa lớn tiếp theo sẽ thu hút mọi người. Rồi còn có sự phấn khích khi làm việc với một thứ gì đó rủi ro. Các nhà khoa học là con người, họ trở nên phấn khích. Nhưng nếu không có hàng rào bảo vệ, sự phấn khích đó sẽ trở thành sự liều lĩnh.
Cũng có một vấn đề văn hóa. Các nhà khoa học không thích bị đặt câu hỏi, nhưng nếu họ đang làm việc với thứ gì đó có thể ảnh hưởng đến hàng triệu người, họ phải chấp nhận sự giám sát chặt chẽ. Đó không phải là kiểm duyệt, đó là trách nhiệm giải trình.
ZR: Có trường hợp nào GoF 2.0 đã giúp chúng ta chuẩn bị cho một đại dịch không?
SWH: Không có. Hoàn toàn không. Đó là một giấc mơ hão huyền đã được rao giảng trong 30 năm. Các nhà khoa học tiếp tục thúc đẩy nó bởi vì nó dễ dàng được tài trợ, dễ dàng được xuất bản và nghe có vẻ kịch tính. Bạn nói công việc của bạn có thể ngăn chặn đại dịch tiếp theo, và bùm – tài trợ được chấp thuận. Nhưng đó là một ảo ảnh nguy hiểm. Các phòng thí nghiệm cần tài trợ để tồn tại, và đây là một chiêu bán hàng hiệu quả, nhưng điều đó không biến nó thành sự thật.
ZR: Ông và các đồng nghiệp tại Biosafety Now có phải đối mặt với sự phản đối vì đã thẳng thắn về chủ đề này không?
SWH: Chắc chắn rồi. Một số sự phản đối khá tế nhị, như việc bị phớt lờ hoặc không được mời tham gia các buổi tọa đàm. Một số khác thì trực tiếp hơn, nhưng chúng tôi đã quen với điều đó. Chúng tôi không làm điều này vì sự nổi tiếng, mà là vì cái giá phải trả quá cao nếu giữ im lặng. Chúng tôi làm nổi bật những điều mà họ muốn giữ trong bóng tối. Các nhà khoa học thích được báo chí đưa tin khi nó tâng bốc họ, nhưng khi bạn hỏi những câu hỏi khó – về rò rỉ phòng thí nghiệm, hoặc trách nhiệm giải trình, bạn sẽ bị cản trở.
Khi mọi người gọi bạn là “người gây hoảng loạn”, điều đó thường có nghĩa là bạn đang chạm đúng chỗ nhạy cảm.
ZR: Chúng ta cần kiểu lãnh đạo như thế nào để khắc phục điều này?
SWH: Chúng ta cần những người đứng đầu các cơ quan như NIH hoặc Wellcome Trust nói, “Đủ rồi. Đây là giới hạn. Vượt qua nó, và bạn sẽ bị loại.” Chúng ta cũng cần các nhà lãnh đạo nói chuyện thẳng thắn. Đừng che đậy. Đừng bóp méo thông tin. Chỉ cần nói, “chúng tôi đang ưu tiên an toàn. Chúng tôi đang ưu tiên công chúng.”
Kiểu lãnh như vậy sẽ tạo ra sự rõ ràng, và sự rõ ràng sẽ xây dựng lòng tin. Chúng ta đã có quá nhiều sự lấp liếm, quá nhiều biện pháp nửa vời. Đã đến lúc phải có một tiêu chuẩn quyết đoán, toàn cầu.
ZR: Nếu có một điều ông muốn gửi gắm đến độc giả, ông muốn đó là gì?
SWH: GoF nguy hiểm không phải là một giả thuyết. Nó đang diễn ra ngay bây giờ, và nếu sự giám sát thất bại, đại dịch tiếp theo có thể do con người tạo ra chứ không phải tự nhiên. Đó không phải là khoa học viễn tưởng. Đó là một mối đe dọa thực sự, có thể tránh được.
Đây không phải là về việc gây sợ hãi. Đó là về trách nhiệm. Chúng ta có thể tranh luận về lợi ích cả ngày, nhưng nếu cái giá phải trả là một thảm họa toàn cầu, thì chúng ta cần xem xét lại cách tiếp cận của mình. Không chỉ dừng lại ở câu hỏi, “chúng ta có thể làm điều này không?” mà chúng ta cần phải hỏi, “chúng ta có nên làm điều này không?”.
Nguồn : Bài báo CBRNe world tháng 6 trên www.cbrneworld.com
Tác giả : Gwyn Winfield
Dịch bởi : Vũ Quang Đại.