Cơ chế quốc tế trong kiểm soát vũ khí sinh học
Trong bối cảnh an ninh toàn cầu hiện nay đang phải đối mặt với ngày càng nhiều thách thức phi truyền thống, từ khủng bố quốc tế cho đến các mối đe dọa từ công nghệ sinh học tiên tiến, việc ngăn chặn sự phổ biến của vũ khí sinh học đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vừa qua đã cho thấy rõ sự nguy hiểm tiềm tàng của các tác nhân sinh học khi chúng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng và ổn định xã hội. Hiện nay cộng đồng quốc tế đã thiết lập ba cơ chế quốc tế quan trọng để kiểm soát vũ khí sinh học, bao gồm: Công ước Vũ khí Sinh học (BWC); Nghị quyết 1540 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSCR 1540); và Cơ chế Điều tra của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (UNSGM). Sự phối hợp của ba cơ chế này tạo thành một hệ thống phòng thủ đa tầng, đa chiều trong cuộc chiến chống lại mối đe dọa từ vũ khí sinh học.
- Bức tranh chung về các cơ chế kiểm soát vũ khí sinh học
Công ước Vũ khí Sinh học (BWC): Cơ sở pháp lý toàn cầu
BWC được ký kết năm 1972 và có hiệu lực từ năm 1975, là điều ước quốc tế đầu tiên cấm hoàn toàn việc phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí sinh học. Tính đến năm 2023, công ước này đã có 183 quốc gia thành viên – một minh chứng cho sự đồng thuận toàn cầu đối với việc loại bỏ vũ khí sinh học.
Ưu điểm của BWC:
– Thiết lập chuẩn mực pháp lý cấm VKS trên phạm vi toàn cầu.
– Tạo nền tảng hợp tác quốc tế về sinh học phục vụ mục đích hòa bình.
– Thiết lập diễn đàn chính thức để các quốc gia thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng lòng tin.
Hạn chế của BWC:
– Không có cơ chế thanh tra bắt buộc: Khác với Công ước Cấm Vũ khí Hóa học (CWC), BWC thiếu một tổ chức thanh tra chuyên trách như OPCW.
– Báo cáo không bắt buộc và thiếu minh bạch: Cơ chế Confidence-Building Measures (CBMs) phụ thuộc vào sự tự nguyện, dẫn đến sự không nhất quán và thiếu tin cậy.
– Khó khăn trong xử lý vi phạm: Công ước thiếu cơ chế cưỡng chế, xử lý vi phạm một cách hiệu quả.
Nghị quyết 1540 (2004): Cơ chế chống phổ biến vũ khí sinh học tới các tổ chức phi nhà nước
Được thông qua sau sự kiện khủng bố 11/9, Nghị quyết 1540 không chỉ nhắm đến các quốc gia mà còn hướng đến các chủ thể phi quốc gia như tổ chức khủng bố – một hướng tiếp cận mới trong kiểm soát vũ khí sinh học. Nghị quyết yêu cầu tất cả quốc gia thành viên ban hành luật nội địa cấm các chủ thể phi nhà nước tiếp cận vũ khí huỷ diệt hàng loạt; thực hiện biện pháp kiểm soát biên giới, kiểm soát xuất khẩu, an ninh sinh học trong các cơ sở nghiên cứu và đặc biệt thành lập Ủy ban 1540 để giám sát việc thực thi.
Ưu điểm:
– Có tính ràng buộc pháp lý theo Chương VII Hiến chương LHQ.
– Tập trung vào chủ thể phi nhà nước – đối tượng nguy hiểm trong thời đại khủng bố và công nghệ sinh học phát triển.
– Hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các quốc gia còn yếu về năng lực thực thi.
Thách thức:
– Năng lực thực thi ở nhiều nước đang phát triển còn hạn chế, đặc biệt về nhân sự, kỹ thuật và pháp luật.
– Các báo cáo có tính hình thức, thiếu chiều sâu và chưa phản ánh thực chất nỗ lực kiểm soát.
– Thiếu ngân sách và nguồn lực hỗ trợ dài hạn cho các nước có nhu cầu.
Cơ chế điều tra của Tổng Thư ký LHQ (UNSGM)
Được thiết lập từ năm 1982, cơ chế này cho phép Tổng Thư ký LHQ cử các nhóm chuyên gia điều tra độc lập khi có cáo buộc sử dụng vũ khí sinh học, đặc biệt trong bối cảnh BWC không có cơ chế kiểm tra.
Ưu điểm:
– Tính khách quan, độc lập cao: Các nhóm chuyên gia thường là những nhà khoa học quốc tế không bị ràng buộc chính trị.
– Có thể phản ứng nhanh khi có yêu cầu điều tra.
– Cung cấp cơ sở khoa học đáng tin cậy cho cộng đồng quốc tế.
Hạn chế:
– Phụ thuộc vào sự hợp tác của quốc gia bị cáo buộc – nếu từ chối tiếp cận, cuộc điều tra gần như bị vô hiệu.
– Dễ bị các cường quốc chính trị hóa hoặc phủ nhận kết quả điều tra.
– Không có quyền cưỡng chế thực thi hay đề xuất trừng phạt sau khi có kết luận.
- Một số kết quả nội bật và thách thức của các cơ chế
Một số kết quả nổi bật trong thực các cơ chế chống phổ biến vũ khí sinh học:
– BWC đã duy trì sự đồng thuận toàn cầu về cấm vũ khí sinh học; tăng cường hợp tác khoa học, chuyển giao công nghệ vì mục đích hòa bình. Năm 2022, Hội nghị rà soát lần thứ 9 đã thông qua việc thành lập nhóm công tác để đề xuất các biện pháp tăng cường hiệu quả thực thi BWC, trong đó nổi bật là tăng cường tính minh bạch trong thực thi BWC thông qua báo cáo định kỳ
– Nghị quyết 1540: Hơn 95% quốc gia đã nộp báo cáo thực thi, cơ chế chia sẻ thông tin giữa các quốc gia và tổ chức quốc tế được củng cố, ngăn chặn các vụ buôn bán trái phép vật liệu sinh học nhờ Nghị quyết 1540. Ủy ban 1540 hỗ trợ gần 60 nước xây dựng luật và quy định nội địa, mới đây Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí gia hạn nhiệm vụ của Uỷ ban 1540.
– Cơ chế điều tra của Tổng thư ký LHQ: Tính đến nay, UNSGM đã tổ chức 03 cuộc điều tra lần lượt là Mozambique (1992), Azebaijan (1992) và Syria (2013) về vũ khí hoá học. Tuy chưa thực hiện cuộc điều tra nào về vũ khí sinh học, nhưng UNSGM đã tổ chức nhiều cuộc diễn tập điều tra thực địa và tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ chuyên gia. Tăng cường sự phối hợp giữa UNSGM và WHO trong các kịch bản khủng hoảng y tế liên quan đến sinh học.
Những lỗ hổng và thách thức:
– Thiếu cơ chế giám sát độc lập, hiệu quả: Đây là nhược điểm lớn nhất của BWC, khiến công ước khó phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm.
– Phụ thuộc vào ý chí chính trị: Cả ba cơ chế đều cần sự hợp tác của các quốc gia; nếu các cường quốc không tham gia nghiêm túc, hiệu quả bị suy giảm.
– Cạnh tranh công nghệ sinh học: Sự phát triển của công nghệ như chỉnh sửa gen (CRISPR), sinh học tổng hợp đang vượt xa năng lực kiểm soát của các công cụ pháp lý hiện có.
- Giải pháp tăng cường hiệu quả kiểm soát vũ khí sinh học
Đối với Công ước BWC
– Bổ sung Nghị định thư thanh tra bắt buộc: Đây là bước then chốt để củng cố tính ràng buộc pháp lý.
– Chuẩn hóa báo cáo CBMs và bắt buộc các nước thành viên nộp báo cáo hàng năm.
– Tăng cường hợp tác khoa học vì mục tiêu hòa bình, đồng thời xây dựng mạng lưới cảnh báo sớm và phản ứng nhanh trước mối đe dọa sinh học.
Đối với Nghị quyết 1540
– Hỗ trợ kỹ thuật và pháp lý có mục tiêu: Cần tăng ngân sách cho các chương trình hỗ trợ nước đang phát triển về xây dựng luật, huấn luyện chuyên gia và kiểm soát biên giới.
– Tăng tính bắt buộc và minh bạch của báo cáo: Thiết lập cơ chế đánh giá độc lập các báo cáo quốc gia để nâng cao chất lượng.
– Đẩy mạnh hợp tác khu vực và liên ngành, đặc biệt giữa các tổ chức an ninh, y tế và khoa học.
Đối với cơ chế điều tra của Tổng Thư ký LHQ
– Củng cố tính độc lập, minh bạch của nhóm điều tra bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn chung, ngân sách ổn định và quy trình đánh giá khách quan.
– Xây dựng cơ chế bảo vệ nhân chứng và dữ liệu sinh học, tránh rò rỉ thông tin hoặc bị thao túng.
Tăng hợp tác với các tổ chức khu vực như ASEAN, EU, nhằm nâng cao hiệu quả tiếp cận và chia sẻ thông tin tại chỗ.
Một số đề xuất bổ sung
– Thiết lập một tổ chức chuyên trách về vũ khí sinh học tương tự như OPCW trong lĩnh vực vũ khí hóa học – điều này sẽ tăng cường cơ chế giám sát, điều tra và hỗ trợ kỹ thuật trên phạm vi toàn cầu.
– Tận dụng công nghệ mới trong giám sát, ví dụ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, phân tích di truyền nhằm phát hiện sớm các mối đe dọa sinh học.
– Tăng cường vai trò của xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ và viện nghiên cứu trong việc cảnh báo và tư vấn chính sách cho các chính phủ.
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nguy cơ gia tăng từ cả xung đột vũ trang lẫn khủng bố sinh học, việc kiểm soát vũ khí sinh học trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Các cơ chế hiện tại như Công ước Vũ khí Sinh học, Nghị quyết 1540 và cơ chế điều tra của Tổng Thư ký LHQ đã đóng vai trò quan trọng trong thiết lập khuôn khổ pháp lý và cảnh báo sớm. Tuy nhiên, để thực sự hiệu quả, những cơ chế này cần được cải tiến về cơ cấu, chức năng và tính thực thi. Điều này đòi hỏi sự cam kết lâu dài, mang tính xây dựng từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các cường quốc khoa học và công nghệ. Chỉ khi ấy, thế giới mới có thể xây dựng được một hệ thống an ninh sinh học toàn cầu thực sự vững chắc và hiệu quả, bảo vệ nhân loại khỏi mối đe dọa vô hình nhưng nguy hiểm của vũ khí sinh học.
Vương Nguyễn (TT81)