Cuộc họp Tổ Công tác liên ngành về việc Việt Nam làm thành viên Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế nhiệm kỳ 2021-2023
Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) là tổ chức quốc tế đóng vai trò quan trọng trong cơ chế chống phổ biến hạt nhân toàn cầu, hoạt động tập trung vào 3 lĩnh vực: Công nghệ và ứng dụng hạt nhân; An toàn và an ninh hạt nhân; Thanh sát và kiểm chứng.
Hội đồng Thống đốc là cơ quan hoạch định chính sách của IAEA với chức năng chủ yếu gồm: (1) Xây dựng và trình Đại Hội đồng IAEA xem xét thông qua các vấn đề nhân sự, thành viên, chương trình, báo cáo hoạt động, ngân sách của IAEA; (2) Phê duyệt các Hiệp định Thanh sát và Nghị định thư Bổ sung do IAEA ký với các nước; (3) Phê duyệt các tiêu chuẩn, tài liệu hướng dẫn quốc tế về an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân; (4) Thảo luận về tình hình phát triển hạt nhân của một số nước như Iran, Triều Tiên, Syria, Israel và tiến trình thanh sát hạt nhân đối với các nước này. Trong Khóa họp lần thứ 65 (tháng 9/2021), Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Thống đốc IAEA nhiệm kỳ 2021-2023.
Cuộc họp lần thứ nhất Tổ Công tác liên ngành về việc Việt Nam làm thành viên
Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế.
Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ thành viên Hội đồng Thống đốc IAEA, Bộ Ngoại giao đã trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ Công tác liên ngành bao gồm đại diện các bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tổ Công tác liên ngành có nhiệm vụ tham mưu cho Đảng, Nhà nước về các chủ trương, chính sách và định hướng lớn của Việt Nam đối với các vấn đề được thảo luận trong chương trình nghị sự của Hội đồng Thống đốc IAEA, các vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân, ứng phó với sự cố hạt nhân, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Trọng tâm Cuộc họp lần đầu của Tổ Công tác liên ngành tập trung các vấn đề: (1) Các vấn đề thảo luận của Hội đồng Thống đốc IAEA (an ninh, an toàn hạt nhân, ứng dụng công nghệ hạt nhân, thanh sát hạt nhân, một số vấn đề phức tạp nổi lên như Thỏa thuận AUKUS, Iran, Ukraine, Triều tiên…); (2) Các hoạt động của Việt Nam từ khi trở thành thành viên đến nay và định hướng, trọng tâm ưu tiên trong thời gian tới; (3) Các lĩnh vực ta cần thúc đẩy hợp tác và tận dụng hỗ trợ từ IAEA.
Đại tá Nguyễn Đình Hiền, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Binh chủng,
Phó Trưởng Cơ quan thường trực 81 phát biểu tại Cuộc họp.
Tại cuộc họp, đại diện cho Bộ Quốc phòng, Đại tá Nguyễn Đình Hiền, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Binh chủng Hóa học – Phó Trưởng Cơ quan thường trực 81 đã giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ mới của Bộ Quốc phòng trong vai trò là Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; các hoạt động của Bộ Quốc phòng, Binh chủng Hóa học trong phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tham luận đề xuất trọng tâm ưu tiên của Việt Nam trong nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Thống đốc IAEA là thúc đẩy IAEA thảo luận và ban hành các tài liệu về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn, an ninh cho các lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ (dưới 300 MWe); các tài liệu hướng dẫn về quy trình ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân trên biển; thúc đẩy các cơ chế hợp tác quốc tế về chống phổ biến vũ khí hạt nhân nói riêng, vũ khí hủy diệt hàng loạt nói chung. Bài tham luận cũng đề xuất Việt Nam chủ động đăng cai các sự kiện quốc tế về lĩnh vực bức xạ, hạt nhân trong nhiệm kỳ làm thành viên Hội đồng Thống đốc. Đồng thời, tham luận cũng đề nghị các bộ, ngành liên hệ chặt chẽ, có cơ chế trao đổi thông tin liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác. Các ý kiến đóng góp của đại biểu Bộ Quốc phòng được ghi nhận, đánh giá cao.
Cuộc họp kết thúc đã đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện, góp phần thực hiện tốt vai trò của Việt Nam trong nhiệm kỳ làm thành viên Hội đồng Thống đốc IAEA; đồng thời khẳng định quan điểm nhất quán và quyết tâm của Việt Nam trong phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Cao Đăng Lưu