Đoàn Việt Nam tham dự Cuộc họp trực tiếp với Nhóm đánh giá chung/FATF tại kỳ Báo cáo tiến triển quốc gia lần 4 tại Hàn Quốc
Từ ngày 23 đến ngày 24 tháng 4 năm 2025, tại Hàn Quốc, Đoàn Việt Nam tham dự Cuộc họp trực tiếp với Nhóm Đánh giá chung (Nhóm JG) của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) để trao đổi về Báo cáo tiến triển kỳ 4 thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PCRT, TTKB, TTPBVKHDHL).
Tham dự Cuộc họp, về phía Nhóm JG có đại diện Thư ký FATF, 16 đánh giá viên theo từng nhiệm vụ trong Kế hoạch hành động quốc gia và đại diện một số quốc gia quan sát viên. Đoàn Việt Nam tham dự có đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam do đồng chí Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm Trưởng đoàn.
Đoàn Việt Nam tham dự Cuộc họp với Nhóm rà soát chung
Cuộc họp lần này nhằm đánh giá kết quả đạt được về Báo cáo tiến triển kỳ 4 (Báo cáo PR 4), từ tháng 1/2025 đến nay. Tại Cuộc họp, Nhóm đánh giá chung (Nhóm JG) đã trao đổi, yêu cầu giải trình tiến triển đối với từng nội dung trong Kế hoạch hành động quốc gia (bao gồm 17 hành động tương ứng với 9 Hiệu quả trực tiếp (IO) theo hướng dẫn của FATF). Tại kỳ họp lần này, Nhóm JG ghi nhận các tiến triển trong Hành động về chứng minh các cơ quan có thẩm quyền đã nâng cao hiểu biết về rủi ro rửa tiền/tài trợ khủng bố; chứng minh việc hợp tác, phối hợp và liên lạc hiệu quả giữa các cơ quan có liên quan về RT/TTKB; xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo; tăng cường hợp tác chính thức (dẫn độ và tương trợ tư pháp đa phương) và hợp tác không chính thức với các đối tác nước ngoài.
Quang cảnh Cuộc họp với Nhóm rà soát chung
Trong Cuộc họp, Đoàn Việt Nam đã cung cấp minh chứng thông tin về số liệu, giải thích các kết quả cụ thể mà từng bộ, ngành đã thực hiện trong giai đoạn báo cáo vừa qua. Nhóm JG đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia, song cũng yêu cầu Việt Nam cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ. Kế hoạch hành động quốc gia sẽ hết hạn vào tháng 5/2025. Sau đây, Nhóm JG sẽ yêu cầu chế độ báo cáo chặt chẽ, thường xuyên hơn. Các quốc gia sau khi bị rơi vào Danh sách giám sát tăng cường chỉ có thời gian 2 năm để thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia mà không được gia hạn thêm.
Đối với các hành động có sự tham gia của Bộ Quốc phòng, các kết quả đạt được về tuân thủ kỹ thuật đối với Khuyến nghị 7 (nghĩa vụ về biện pháp trừng phạt tài chính mục tiêu liên quan đến TTPBVKHDHL) và chứng minh các cơ quan có thẩm quyền đang thực hiện cơ chế giám sát và đảm bảo các FI, DNFBP tuân thủ các nghĩa vụ trừng phạt tài chính mục tiêu liên quan đến TTPBVKHDHL. Tuy nhiên, quá trình này cần triển khai đồng bộ, đặc biệt việc chứng minh số liệu cần các Bộ, ngành trực tiếp thực hiện, phối hợp theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.
Nguyễn Thanh Tùng – TT81