CƠ QUAN ĐẦU MỐI QUỐC GIA VIỆT NAM
VỀ PHÒNG, CHỐNG PHỔ BIẾN VŨ KHÍ HỦY DIỆT HÀNG LOẠT

CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC 81

FATF, Interpol, UNODC kêu gọi cần có hành động khẩn cấp để ngăn chặn rửa tiền và các hoạt động bất hợp pháp khác

Tổ chức Cảnh sát Quốc tế (Interpol), Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) và Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) đã đưa ra cảnh báo về mối nguy hiểm của tội phạm có tổ chức đối với sự toàn vẹn của hệ thống tài chính toàn cầu và kêu gọi các quốc gia đẩy mạnh các biện pháp chống rửa tiền (AML) nhằm chống tội phạm xuyên quốc gia.

Tại sự kiện lần thứ 33 của Ủy ban Phòng chống Tội phạm và Tư pháp Hình sự của Liên hợp quốc (được tổ chức tại Vienna, Áo), các nhà lãnh đạo của ba cơ quan toàn cầu đã đưa ra lời kêu gọi: “Các quốc gia cần khẩn trương tăng cường những nỗ lực nhằm nhắm tới khoản lợi nhuận bất hợp pháp khổng lồ do tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia tạo ra nhằm tạo điều kiện cho xung đột, tài trợ khủng bố và tác động tiêu cực đến nhóm dân cư dễ bị tổn thương”. Đây là lời kêu gọi hành động chưa từng có từ những người đứng đầu FATF, INTERPOL và UNODC.

Bằng cách tập trung vào tiền thu được từ tội phạm và các mạng lưới tài chính bất hợp pháp phía sau, các quốc gia thành viên có thể chống lại và phá vỡ các mạng lưới tội phạm có tổ chức một cách hiệu quả hơn và nâng cao hiệu quả của các nỗ lực phòng chống tội phạm. Việc ngăn chặn hoạt động tội phạm thông qua việc nhắm vào lợi nhuận bất hợp pháp cũng tác động tích cực đến các mục tiêu của Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030, như tăng trưởng kinh tế toàn diện, ổn định tài chính, củng cố thể chế và tăng cường quản trị.

Chủ tịch FATF T. Raja Kumar cho biết: “Tính liêm chính tài chính toàn cầu rất quan trọng đối với sự ổn định tài chính, hội nhập cũng như hòa bình và an

ninh. Điều này chỉ có thể đạt được thông qua việc thực hiện mạnh mẽ và hiệu quả các tiêu chuẩn về chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. FATF cam kết thực hiện vai trò và đẩy mạnh nhiệm vụ của mình trong các hoạt động xuyên suốt nhằm tạo điều kiện ngăn chặn mọi loại tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt là rửa tiền thu được từ hoạt động phạm tội. Chúng ta phải nắm thế chủ động và cùng nhau thực hiện việc thu hồi tài sản nhằm cắt đứt huyết mạch của bọn tội phạm – tiền và tài sản của chúng. Đây phải là một chiến lược phòng ngừa quan trọng mà tất cả các chính phủ phải áp dụng”.

Tổng thư ký INTERPOL Jurgen Stock cho biết: “Bọn tội phạm sẽ buôn bán bất kỳ mặt hàng nào để tạo ra lợi nhuận, phải thực hiện mọi biện pháp để tước đoạt nguồn lợi bất chính này của chúng. Ngăn chặn các nguồn lợi bất hợp pháp là điều cần thiết trong thúc đẩy pháp quyền và bảo vệ những nhóm dân cư dễ bị tổn thương. Hành động ngay bây giờ trên tất cả các lĩnh vực và ở cấp độ toàn cầu là cần thiết và INTERPOL sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết”.

Giám đốc điều hành UNODC Ghada Waly cho biết: “Rửa tiền, tài trợ khủng bố và các tội phạm nguồn của chúng đang gây ra bất ổn, bạo lực và bóc lột trên toàn thế giới. Bảo vệ sự liêm chính tài chính là rất quan trọng để thúc đẩy hòa bình và an ninh, thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ những nhóm dân cư dễ bị tổn thương. UNODC sẵn sàng hợp tác với các chính phủ, khu vực tư nhân và các đối tác của chúng tôi tại FATF và INTERPOL để tăng cường các cuộc điều tra tài chính và tội phạm nhằm triệt phá các mạng lưới tài chính bất hợp pháp đang hỗ trợ khủng bố và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.”

Ba nhà lãnh đạo của FATF, Interpol, UNODC nhấn mạnh những cải tiến gần đây đối với các tiêu chuẩn quốc tế của FATF về chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, đồng thời kêu gọi đẩy nhanh tiến độ cải cách chính sách và xây dựng năng lực trước Đại hội Tội phạm Liên hợp quốc năm 2026 (do Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đăng cai tổ chức). Khẳng định liêm chính tài chính là trụ cột chính trong việc tạo ra sự ổn định và điều quan trọng nhất là cần có sự hỗ trợ lớn hơn cho các quốc gia đang gặp khó khăn trong việc thực hiện hiệu quả các khuôn khổ về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Họ cũng ghi nhận những tác động tích cực của việc các quốc gia thành viên tăng cường hợp tác với khu vực tư nhân và tổ chức xã hội để thực hiện các cách tiếp cận thống nhất nhằm chống lại tội phạm tài chính. Bao nhà lãnh đạo cho rằng việc vận hành thông qua quan hệ đối tác công-tư và các lực lượng đặc nhiệm sẽ đẩy nhanh và cải thiện hiệu quả của các nỗ lực thực thi toàn cầu.

Các đại biểu cấp cao tại sự kiện “Kiếm lợi từ tội phạm: Đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả hoạt động chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố trên toàn cầu”, đã thảo luận về xây dựng năng lực, thực hiện hiệu quả cách tiếp cận dựa trên rủi ro, mối quan hệ đối tác đa ngành và công nghệ là những động lực chính để nâng cao hiệu quả trong cuộc chiến toàn cầu chống lại tội phạm tài chính.

UNODC, FATF và INTERPOL sẽ tiếp tục kêu gọi hành động này – kêu gọi các quốc gia thành viên cải thiện khuôn khổ AML/CFT của họ – thông qua Đại hội Tội phạm năm 2026.

Nguyễn Văn Vương – TT81

Thống kê

  • 0
  • 2,048
  • 453,164

Cổng TTDT Chính phủ

Báo Quân đội nhân dân·