CƠ QUAN ĐẦU MỐI QUỐC GIA VIỆT NAM
VỀ PHÒNG, CHỐNG PHỔ BIẾN VŨ KHÍ HỦY DIỆT HÀNG LOẠT

CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC 81

Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước cấm vũ khí hóa học lần thứ 29 (CSP29)

Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước Cấm vũ khí hóa học lần thứ 29 (CSP29) diễn ra từ ngày 25/11-29/11/2024 tại Lahay, Hà Lan. Đoàn Việt Nam tham dự với các đại diện từ Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan, Đoàn do đồng chí Lưu Hoàng Ngọc – Phó Cục trưởng Cục Hóa chất/Bộ Công Thương làm trưởng đoàn.

Đoàn Việt Nam tham dự CSP29

Hội nghị nhằm đánh giá những tiến triển trong việc thực hiện Công ước cấm vũ khí hóa học (CWC) trong giai đoạn 2023-2024; Bầu Hội đồng Ban chấp hành của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW); xem xét thông qua Báo cáo rà soát ngân sách cho năm 2025 và tiến hành thảo luận một số vấn đề liên quan đến xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; Hợp tác Nhật Bản-Trung Quốc về phá hủy vũ khí hóa học (VKHH) bỏ lại sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2 tại một số địa điểm tại Trung Quốc…; Hội nghị năm nay tiếp tục phản ánh sự cạnh tranh, mâu thuẫn giữa một số nước, đặc biệt là giữa Nga, Trung Quốc với Mỹ và nhóm EU, dẫn tới dấu hiệu chính trị hóa một số vấn đề tại các diễn đàn kỹ thuật của OPCW. Kết quả bỏ phiếu vào Hội đồng chấp hành OPCW của Nhóm Đông Âu năm nay tiếp tục thể hiện sự tập hợp lực lượng có lợi cho các nước Mỹ và EU, trong khi Nga bị chỉ trích mạnh, rơi vào nhóm thiểu số (không trúng cử vào Hội đồng chấp hành). Hội nghị đã thảo luận, hoàn thành chương trình nghị sự đề ra, cơ bản không có vấn đề mới, quá phức tạp. Thảo luận có dấu hiệu căng thẳng hơn về một số diễn biến gần đây trên thực địa, như Israel đẩy mạnh tấn công tại Gaza, Lebanon trong năm qua, hay cáo buộc mới Nga sử dụng chất kiểm soát bạo động trong xung đột Nga-Ukraine. Nga tuy phản ứng mạnh, nhưng không cản trở các Báo cáo thực hiện CWC năm 2023.

Quang cảnh Hội nghị CSP29

Triển khai chủ trương đã được phê duyệt, đoàn Việt Nam đã có bài phát biểu tại Hội nghị, trong đó tiếp tục khẳng định lập trường của Việt Nam về ủng hộ việc thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học (CWC), ủng hộ OCPW giúp các nước thành viên thực hiện CWC; ủng hộ các nỗ lực chống phổ biến, giải trừ hoàn toàn các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có VKHH; lên án việc sử dụng VKHH bởi bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu và trong bất kỳ hoàn cảnh nào; khẳng định cam kết của Việt Nam về thực hiện CWC; kêu gọi thực hiện các trụ cột của CWC một cách khách quan, minh bạch và cân bằng; đề nghị tăng cường hợp tác quốc tế, bảo vệ quyền của các nước trong phát triển công nghiệp hóa chất vì mục đích hòa bình; đề nghị OPCW chú trọng về phân bổ công bằng đại diện theo các khu vực địa lý, tạo điều kiện cho các nước, nhất là các nước đang phát triển có thêm đại diện tham gia vào công việc chung của OPCW.

Tào Thuận – TT81

Thống kê

  • 2
  • 1,988
  • 453,104

Cổng TTDT Chính phủ

Báo Quân đội nhân dân·