CƠ QUAN ĐẦU MỐI QUỐC GIA VIỆT NAM
VỀ PHÒNG, CHỐNG PHỔ BIẾN VŨ KHÍ HỦY DIỆT HÀNG LOẠT

CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC 81

Hội nghị kiểm điểm 5 năm lần thứ 5 (RC5)

Từ ngày 15 đến 19/5 tại The Hague, Hà Lan diễn ra Hội nghị kiểm điểm 5 năm lần thứ 5 (RC-5) về thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học (CWC). Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh, đại diện thường trực của Việt Nam tại Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học (OPCW) đã tham dự Hội nghị.

Kể từ khi CWC có hiệu lực vào tháng 4 năm 1997, Hội nghị kiểm điểm thực hiện CWC được OPCW tổ chức định kỳ 5 năm, nhằm mục đích đánh giá kết quả thực hiện CWC trong chu kỳ.

Quang cảnh khai mạc Hội nghị RC-5

RC5 tiến hành đánh giá tình hình thực hiện Công ước và đặt ra các ưu tiên cho OPCW trong những năm tới. Hội nghị đưa ra định hướng chiến lược cho OPCW và đảm bảo rằng OPCW có đủ nguồn lực để thực hiện tất cả các mục tiêu cốt lõi của mình. Một số chủ đề được thảo luận trong Hội nghị là vai trò của OPCW và CWC trong việc củng cố hòa bình và an ninh quốc tế, bao gồm ngăn chặn tái xuất hiện vũ khí hóa học; duy trì trạng thái sẵn sàng ứng phó với việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hóa học; phát triển khoa học và công nghệ liên quan đến việc thực hiện Công ước; thúc đẩy các ứng dụng hóa học vì mục đích hòa bình và hợp pháp, đồng thời đảm bảo sản xuất an toàn và sử dụng an toàn hóa chất.

Hội nghị RC-5

Hội nghị RC-5 diễn ra trong bối cảnh địa chính trị thế giới có sự phân hóa và mâu thuẫn gay gắt giữa Nga/Trung Quốc/Iran/Syria/Cuba/Venezuela và các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ trong thực thi Công ước; đặc biệt càng nghiêm trọng hơn do ảnh hưởng bởi chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga đang thực hiện tại Ukraine, dẫn đến sự phân hóa đáng kể đối với các thỏa thuận kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị; trong khi đó sắp kết thúc quá trình phá hủy vũ khí hóa học được các quốc gia thành viên khai báo (đến nay, 99% vũ khí hóa học được khai báo đã được phá hủy, Mỹ hiện là nước duy nhất chưa phá hủy hết vũ khí hóa học, theo thời hạn của Công ước, Mỹ phải tiêu hủy hết lượng vũ khí hóa học đã công bố trước ngày 30 tháng 9 năm 2023); sự nổi lên các mối đe dọa sử dụng vũ khí hóa học bởi các chủ thể phi nhà nước, các tổ chức khủng bố; sự phá triển vượt bậc của khoa học và công nghệ liên quan đến Công ước, cả về hóa học và các lĩnh vực liên quan.

Tham dự Hội nghị có 800 đại biểu, đại diện cho 137 quốc gia thành viên, 2 quốc gia quan sát viên (Israel và Nam Soudan), 14 tổ chức quốc tế, các cơ quan chuyên môn, 74 tổ chức phi chính phủ, các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, đào tạo, tổ chức xã hội dân sự và báo giới.

Song song với hội nghị chính thức có 27 sự kiện bên lề nhằm thông tin cụ thể hơn cho các đại biểu về chức năng, nhiệm vụ và sự song hành, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức đối với việc xác định, tiêu hủy vũ khí hóa học; kiểm tra, xác minh hóa chất và hỗ trợ phát triển ngành hóa chất phục vụ mục đích hòa bình.

Tại hội nghị, đã có hơn 100 ý kiến phát biểu đại diện cho nhóm các quốc gia khu vực như: nhóm châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh và Caribe, các nước không liên kết và Trung Quốc, nhóm các nước ASEAN…, đại diện các tổ chức quốc tế và tổ chức liên chính phủ như: Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO); cùng các cơ quan chuyên môn, hiệp hội hóa học… và đặc biệt là phát biểu của các quốc gia thành viên.

Tuyệt đại đa số các ý kiến đều khẳng định thành tựu trong việc tiêu hủy vũ khí hóa học đã khai báo và xây dựng thành công ChemTech, khẳng định sự đồng thuận của cộng đồng các quốc gia thành viên về sự cần thiết của CWC và OPCW như công cụ thiết yếu để giữ gìn an ninh, hòa bình của thế giới, ngay cả khi đã tiêu hủy xong toàn bộ vũ khí hóa học được khai báo, đúng như lời khẳng định trong phiên khai mạc của Tổng Giám đốc OPCW, Đại sứ Fernando Arias.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mâu thuẫn nổi bật giữa Mỹ và phương Tây với Nga, Trung Quốc và Syria chưa được giải quyết. Vì vậy, nhiều vấn đề được nêu trong dự thảo Báo cáo liên quan đến các vụ sử dụng vũ khí hóa học tại: Syria, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Iraq, Malaysia và Nga không đạt được đồng thuận hoàn toàn của các quốc gia thành viên. Do đó, hội nghị đã không có Báo cáo kết luận, thay vào đó chỉ là Báo cáo diễn biến.

Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, Phạm Việt Anh tham dự Hội nghị RC-5

Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Phạm Việt Anh hoan nghênh những thành tựu to lớn mà OPCW và các quốc gia thành viên đã đạt được trong thời gian qua, góp phần tiêu hủy hoàn toàn vũ khí hóa học đã khai báo; đồng thời nêu cao vai trò không thể thiếu của tổ chức này như một công cụ quan trọng để gìn giữ an ninh và hòa bình cho một thế giới không còn vũ khí hóa học nói riêng và vũ khí hủy diệt hàng loạt nói chung. Khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện đầy đủ và có trách nhiệm CWC.

Nhân dịp này, Đoàn Việt Nam đã đề nghị và kêu gọi các hoạt động của OPCW cần tuân thủ nghiêm chỉnh các chức năng, nhiệm vụ được quy định tại công ước CWC; tăng cường tính công khai, minh bạch, khách quan và không bị chính trị hóa; tăng cường hợp tác, đối thoại để giải quyết các khác biệt.

OPCW cần phát huy chức năng và khả năng của mình bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia trong việc phát triển công nghiệp hóa chất một cách an toàn và an ninh, vì mục đích hòa bình.

OPCW cũng cần tạo điều kiện hơn cho việc tận dụng nguồn nhân lực từ các nước đang phát triển, trong đó chú trọng sự cân bằng địa lý; ủng hộ ý tưởng xây dựng và nhân rộng các trung tâm khu vực để kết nối nguồn lực triển khai công ước, trong đó có việc thực hiện Sáng kiến thành lập Trung tâm khu vực ASEAN về nâng cao năng lực thực thi CWC.

Việt Nam cũng đề nghị phát huy vai trò của Trung tâm Hóa học và Công nghệ (ChemTech) trong công tác hỗ trợ trang thiết bị, đào tạo nhân viên cho các quốc gia thành viên và mở thêm cơ hội cho cán bộ các nước thành viên làm việc tại Chemtech, nhất là các nước đang phát triển.

Thuận – Trung tâm 81

Thống kê

  • 0
  • 1,937
  • 453,257

Cổng TTDT Chính phủ

Báo Quân đội nhân dân·