CƠ QUAN ĐẦU MỐI QUỐC GIA VIỆT NAM
VỀ PHÒNG, CHỐNG PHỔ BIẾN VŨ KHÍ HỦY DIỆT HÀNG LOẠT

CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC 81

Hội nghị thường niên lần thứ 25 của tổ chức Châu Á – Thái Bình Dương

Từ ngày 24/7 đến ngày 28/7/2022 tại Kuala Lumper, Malaysia diễn ra Hội nghị thường niên năm 2022 của tổ chức Châu Á – Thái Bình Dương (APG) về chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Đại biểu tham dự Hội nghị thường niên APG năm 2022, Kuala Lumpur, Malaysia

Hội nghị thường niên năm 2022 có sự tham dự của hơn 200 đại biểu trực tiếp và khoảng 400 đại biểu tham gia trực tuyến đến từ hơn 40 quốc gia trên toàn thế giới. Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị gồm đại diện các bộ, ngành như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Toà án Nhân dân Tối cao do đồng chí Phạm Gia Bảo, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền/Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm trưởng đoàn.

Nội dung của Hội nghị thường niên năm nay tập trung vào chia sẻ các thông tin về xu hướng rửa tiền, tài trợ khủng bố và các ví dụ điển hình do 22 quốc gia thành viên và 9 quốc gia quan sát viên cung cấp; về dòng tiền bất hợp pháp đến từ hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo, không tuân thủ quy định và điều tra việc rửa tiền thông qua các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng dành thời gian thảo luận một số nội dung liên quan đến đánh giá đa phương (ME) như: Việc thay đổi một số chính sách ME, thay đổi thủ tục ME, các cập nhật của uỷ ban ME, dự kiến chương trình ME năm 2023, thảo luận một số nội dung liên quan đến đánh giá viên của APG.

APG là tổ chức khu vực của lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) về chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, một tổ chức liên chính phủ được thành lập năm 1989 nhằm thiết lập các tiêu chuẩn, phát triển và thúc đẩy các chính sách quốc gia và quốc tế nhằm chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Năm 2012, FATF ban hành Khuyến nghị số 7 về phòng, chống tài trợ phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt. Việt Nam tham gia APG năm 2007 và cam kết thực hiện đầy đủ 40 khuyến nghị của FATF. Cho tới nay, Việt Nam đã trải qua hai đợt ME của APG và bị đánh giá còn nhiều thiếu sót trong việc xây dựng một cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt hiệu quả.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên APG năm 2022

Việc tham dự và đóng góp ý kiến của Đoàn Việt Nam thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc tuân thủ các khuyến nghị của FATF, đồng thời thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc tham gia các hoạt động của APG và FATF nhằm nỗ lực từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt.

Huy Hiệp – TT81

Thống kê

  • 0
  • 2,073
  • 453,189

Cổng TTDT Chính phủ

Báo Quân đội nhân dân·