Hội thảo ARF về Tăng cường khung pháp lý trong phòng, chống khủng bố CBRN
Từ ngày 16 đến ngày 18/4/2024 tại Mông Cổ diễn ra Hội thảo Diễn đàn khu vực Châu Á (ARF) về Tăng cường khung pháp lý trong phòng, chống khủng bố hoá học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân (CBRN) do Việt Nam, Mỹ, Mông Cổ đồng chủ trì.
Quang cảnh Hội thảo ARF
Đoàn Việt Nam tham gia Hội thảo ARF tại Mông Cổ
Đây là Hội thảo nằm trong Chương trình hành động chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia giai đoạn 2023-2025, Chương trình hành động chống phổ biến và giải trừ quân bị giai đoạn 2022-2025, Chương trình hành động Hà Nội II giai đoạn 2020-2025. Hội thảo được thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan chống khủng bố Liên hợp quốc (UNOCT) và Cơ quan chống tội phạm và ma tuý Liên hợp quốc (UNODC).
Hội thảo nhằm tăng cường khung pháp lý và năng lực thực thi của các quốc gia thành viên ARF trong phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các nguy cơ khủng bố CBRN, những yếu tố ảnh hưởng tới hoà bình, an ninh quốc gia, khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng nhằm tìm ra các giải pháp thúc đẩy hợp tác và phối hợp giữa các quốc gia trong ARF cũng như các tổ chức quốc tế liên quan trong giải quyết vấn đề khủng bố CBRN và tổ chức phi nhà nước có liên quan dựa trên 7 trụ cột cơ bản là: Công ước ngăn chặn các hành động khủng bố hạt nhân (ICSANT); Công ước bảo vệ an toàn vật liệu hạt nhân (CPPNM) và Công ước sửa đổi (CPPNM/A); Công ước ngăn chặn khủng bố bằng bom (TBC); Công ước ngăn chặn hành động bất hợp pháp liên quan đến hàng không dân dụng (Công ước Bắc Kinh); Nghị định thư về Công ước ngăn chặn hành động bất hợp pháp chống lại an toàn hàng hải (SUAC); Nghị quyết 1373 (UNSCR 1373) và Nghị quyết 1540 (UNSCR 1540) của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Từ mục tiêu trên, Hội thảo chú trọng thảo luận và xây dựng các kịch bản chuyên sâu nhằm tạo cơ hội cho các đại biểu tìm ra bối cảnh phạm tội của tội phạm cụ thể; việc truy tố, dẫn độ và hợp tác ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế; các thách thức và cách tiếp cận trong thực thi khung pháp lý quốc tế để hỗ trợ điều tra, truy tố, xét xử tội phạm liên quan đến khủng bố CBRN.
Tham gia Hội thảo có hơn 70 đại biểu đến từ các quốc gia Mỹ, Canada, Australia, Ấn độ, Mông Cổ, Việt Nam, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Brunei, Trung Quốc, Băng-la-đet, Pakistan…và các chuyên gia của Liên hợp quốc. Đoàn Việt Nam tham sự Hội thảo gồm 06 thành viên đến từ Cơ quan thường trực 81/Bộ Quốc phòng, Cục An ninh nội địa/Bộ Công an, Cục An toàn bức xạ hạt nhân/Bộ Khoa học Công nghệ, Vụ các tổ chức quốc tế, Vụ ASEAN/Bộ Ngoại giao do đồng chí Lê Thị Thu, Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN/Bộ Ngoại giao làm Trưởng đoàn.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày về những vấn đề liên quan tới khủng bố CBRN bao gồm xu hướng hiện tại, những thách thức và mối đe dọa liên quan tới khủng bố CBRN và phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt trong khu vực. Đoàn Việt Nam đã có bài trình bày về khung pháp lý quốc tế chống khủng bố CBRN, mô hình thực thi khung pháp lý và ví dụ điển hình về chống khủng bố CBRN, đồng thời tham gia thảo luận tích cực về các vấn đề liên quan.
Qua Hội thảo các đại biểu đã hiểu rõ hơn về sự tương đồng và khác nhau giữa các khung pháp lý quốc tế chống khủng bố CBRN, được tìm hiểu về các mô hình thực thi khung pháp lý chống khủng bố CBRN khác nhau, tham gia vào các tình huống cụ thể liên quan tới khủng bố CBRN, từ đó giúp nâng cao khả năng thực thi các khung pháp lý quốc tế, luật pháp quốc gia trong đấu tranh phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn nguy cơ khủng bố CBRN và nguy cơ phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt trong các quốc gia thành viên ARF.
Đặng Huy Hiệp – TT81