CƠ QUAN ĐẦU MỐI QUỐC GIA VIỆT NAM
VỀ PHÒNG, CHỐNG PHỔ BIẾN VŨ KHÍ HỦY DIỆT HÀNG LOẠT

CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC 81

Hội thảo liên quan đến thực thi Công ước Vũ khí sinh học (BWC)

Tiếp nối những kết quả đạt được trong năm 2023, Hội thảo liên quan đến thực thi Công ước Vũ khí sinh học (BWC) diễn trong các ngày 12, 13,14/8/2024. Hai Hội thảo bao gồm Hội thảo Thực hành ứng phó với tình huống liên quan tới vũ khí sinh học” và “Hội thảo quốc gia về biện pháp xây dựng lòng tin thực thi Công ước Vũ khí sinh học” được Binh chủng Hóa học – Cơ quan thường trực của Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (Cơ quan thường trực 81) phối hợp với Bộ Y tế và Chương trình Kiểm soát xuất khẩu và An ninh biên giới/Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (Chương trình EXBS) tổ chức.

Ngày 12/8/2024, Hội thảo Thực hành ứng phó với tình huống liên quan tới vũ khí sinh học diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo nhằm nâng cao năng lực nhận diện nguy cơ, đánh giá các rủi ro liên quan đến tình huống phổ biến vũ khí sinh học thông qua hoạt động xuất, nhập khẩu; thực hành khả năng sẵn sàng ứng phó với các tình huống phổ biến vũ khí sinh học qua các bài tập tình huống. Tham dự Hội thảo lần này có đại biểu của Bộ Y tế và đại diện một số doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu các thiết bị y tế, cán bộ Cơ quan thường trực 81 cùng các chuyên gia của Chương trình EXBS.

Hình 1: Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh tập thể

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ các biện pháp phòng ngừa, mối quan ngại về hành vi phổ biến vũ khí sinh học thông qua các hoạt động xuất, nhập khẩu. Các bài giảng trong Hội thảo đã giúp các đại biểu tham dự nâng cao hiểu biết về vai trò kiểm soát hải quan, hiểu biết rủi ro và thực hành ứng phó tình huống phổ biến vũ khí sinh học thông qua các bài tập tình huống.

Hình 2: Đại tá Ngô Văn Đĩnh – Phó Tham mưu trưởng Binh chủng hóa học phát biểu khai mạc Hội thảo

Với các bài giảng ngắn gọc, súc tích và các ví dụ đa dạng, thực tiễn, nội dung bài giảng được truyền tải thiết thực, có ý nghĩa tích cực áp dụng thực tế trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu các thiết bị y tế và cán bộ chuyên môn của Binh chủng Hóa học – Cơ quan thường trực 81.

Hình 3: Quang cảnh Hội thảo Thực hành ứng phó với tình huống liên quan tới vũ khí sinh học

Trong hai ngày 13 và 14 tháng 8 năm 2024, Hội thảo quốc gia về biện pháp xây dựng lòng tin thực thi Công ước Vũ khí sinh học (BWC) diễn ra tại Hạ Long, Quảng Ninh. Tham dự Hội thảo lần này có đại biểu của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao và cán bộ Cơ quan thường trực 81 cùng các chuyên gia của Chương trình EXBS.

Hình 4: Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh tập thể

Hội thảo nhằm nâng cao khả năng phối hợp, hiệp đồng giữa các cơ quan chức năng liên quan đến thực thi Công ước BWC; thảo luận, rà soát việc xây dựng báo cáo biện pháp xây dựng lòng tin quốc gia thực thi Công ước vũ khí sinh học.

Tại Hội thảo, các chuyên gia của Chương trình EXBS và Bộ Y tế đã chia sẻ kết quả thực thi Công ước vũ khí sinh học tại Việt Nam, tiến trình triển khai thực hiện; hướng dẫn khai báo Báo cáo các Biện pháp xây dựng lòng tin, thảo luận kinh nghiệm từ các hoạt động của cơ quan Chính phủ và các Bộ, ngành, Kế hoạch xây dựng cách tiếp cận quốc gia cho việc chuẩn bị và nộp Báo cáo các Biện pháp xây dựng lòng tin.

Hình 5: Quang cảnh Hội thảo quốc gia về biện pháp xây dựng lòng tin thực thi Công ước Vũ khí sinh học

Từ năm 2007, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế  được giao là cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước BWC, tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Chính vì vậy, Hội thảo lần này có ý nghĩa quan trọng để cán bộ Bộ Y tế và các Bộ, ngành có liên quan tiếp cận và xây dựng các báo cáo, chương trình, Kế hoạch hoạt động trong thời gian tới.

Công ước BWC có hiệu lực vào ngày 26 tháng 3 năm 1975, là công ước về giải trừ quân bị đa phương đầu tiên cấm sản xuất toàn bộ một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD). Đến nay, Công ước có 185 quốc gia thành viên. Công ước BWC không có chế độ xác minh quốc tế và chưa có tổ chức nào được thành lập để hỗ trợ triển khai thực thi Công ước (thay vào đó, có một đơn vị hỗ trợ triển khai trong Văn phòng Liên hợp quốc về Giải trừ quân bị BWC ISU/UNODA). Hằng năm trước hạn 15/4, các quốc gia thành viên sẽ hoàn thiện Báo cáo Biện pháp xây dựng lòng tin (CBM) và gửi về BWC ISU. Báo cáo CBM là công cụ chính thức duy nhất của Công ước BWC nhằm thúc đẩy tính minh bạch và xây dựng lòng tin giữa các Quốc gia thành viên. Việc thực hiện Báo cáo CBM không phải là nghĩa vụ bắt buộc, song lại thể hiện trách nhiệm và cam kết quốc tế của Việt Nam về cấm sản xuất, phát triển, mua lại, chuyển nhượng, tàng trữ và sử dụng vũ khí sinh học nói riêng và vũ khí hủy diệt hàng loạt nói chung.

Kể từ khi gia nhập BWC ngày 20/6/1980, Việt Nam chưa nộp Báo cáo CBM lần nào (Trong năm 2023 mới đây, có 102 quốc gia và vùng lãnh thổ khai báo CBM). Vì vậy, qua nội dung Hội thảo, các chuyên gia Việt Nam đều nhận định cần nhanh chóng, tích cực hoàn thiện Báo cáo CBM đầu tiên của Việt Nam.

Các nội dung được giới thiệu tại Hội thảo đã góp phần nâng cao nhận thức, năng lực thực thi của đại biểu các Bộ, ngành và các tổ chức doanh nghiệp chung tay phòng, chống phổ biến vũ khí sinh học nói riêng và vũ khí hủy diệt hàng loạt nói chung. Thông qua Hội thảo, Binh chủng Hóa học – Cơ quan thường trực 81 cũng thể hiện được vai trò điều phối quan trọng trong hiệp đồng, tổ chức, triển khai các hoạt động cụ thể nhằm phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của Việt Nam.

Thanh Tùng – CQTT81

Thống kê

  • 2
  • 2,006
  • 453,122

Cổng TTDT Chính phủ

Báo Quân đội nhân dân·