CƠ QUAN ĐẦU MỐI QUỐC GIA VIỆT NAM
VỀ PHÒNG, CHỐNG PHỔ BIẾN VŨ KHÍ HỦY DIỆT HÀNG LOẠT

CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC 81

Hội thảo về Xử lý truyền thông trong ứng phó tình huống phóng xạ

Từ ngày 12-14/12/2023, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đồng chủ trì Hội thảo Xử lý truyền thông trong ứng phó tình huống phóng xạ “Chiến dịch PABAL” tại Seoul, Hàn Quốc. Tham dự Hội thảo có 90 đại biểu là chuyên gia trong lĩnh vực phóng xạ, truyền thông và xử lý khủng hoảng đến từ 15 quốc gia và tổ chức quốc tế, gồm: Cambodia, Canada, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Pakistan, Philippines, Thái Lan, Anh, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Việt Nam và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Mục đích của Hội thảo là xây dựng và thử nghiệm các chiến lược truyền thông và cơ chế điều phối giữa lực lượng ứng phó, các cơ quan có liên quan và công chúng trước, trong và sau tình huống khủng bố sử dụng thiết bị phát tán phóng xạ.

Ông Kwon Ki Hwan –  Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Kwon Ki Hwan – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã giới thiệu những nỗ lực của Hàn Quốc nhằm tăng cường an ninh hạt nhân quốc gia và nhấn mạnh sự cần thiết hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các quốc gia để ứng phó với khủng bố hạt nhân và phóng xạ quốc tế trong bối cảnh mới, kịp thời phản ứng trước thông tin sai lệch do các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra.

Bà Joy Sakurai – Phó Trưởng Phái đoàn Hoa Kỳ tại Hàn Quốc phát biểu khai mạc Hội thảo

Đồng khai mạc Hội thảo, bà Joy Sakurai – Phó Trưởng Phái đoàn Hoa Kỳ tại Hàn Quốc đưa ra những thách thức an ninh phi truyền thống trong bối cảnh mới, nguy cơ khủng bố sử dụng thiết bị phát tán phóng xạ tự chế (bom bẩn). Bà Sakurai cũng đề cao hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin giữa các quốc gia và việc chuẩn bị các chiến dịch truyền thông cộng đồng nhằm sẵn sàng ứng phó tình huống khủng bố phóng xạ liên quốc gia. Đại biểu tham dự Hội thảo cũng thảo luận về tầm quan trọng của hợp tác kỹ thuật và chia sẻ thông tin giữa các quốc gia trong chống lại các thách thức an ninh phi truyền thống liên quan đến vũ khí huỷ diệt hàng loạt và tác nhân hóa học, sinh học, bức xạ, hạt nhân (CBRN).

Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Trong 03 ngày Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận các khía cần quan tâm trong chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả tình huống khủng bố sử dụng thiết bị phát tán phóng xạ tự chế (bom bẩn). Ngoài các vấn đề về chuyên môn phóng xạ, quy trình ứng phó, Hội thảo tập trung thảo luận chủ yếu về các vấn đề liên quan đến công tác truyền thông cộng đồng để người dân hiểu được tính chất, mức độ của tình huống, phản bác lại các thông tin sai lệch, độc hại, tin tưởng vào chính quyền và lực lượng chức năng ứng phó sự cố.

Đại biểu Việt Nam và Cambodia chụp ảnh lưu niệm

Tại Hội thảo, Ban Tổ chức bố trí các bài tập và thảo luận, dẫn dắt tình huống khủng bố vận chuyển chất phóng xạ qua biên giới, sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) mang theo thiết bị nổ chứa chất phóng xạ (còn gọi là vũ khí phóng xạ hoặc bom bẩn) và tấn công khủng bố vào khu vực chợ đông dân cư. Đại biểu tham dự thảo luận theo nhóm về đánh giá tình hình, thực hiện các bước ứng phó tình huống và đề xuất chiến dịch truyền thông cộng đồng, phân loại thông tin liên quan xuất hiện trên mạng xã hội, báo chí, truyền hình,… đấu tranh, phản bác các thông tin sai lệch, thông tin độc hại.

Đại biểu tham dự Hội thảo làm việc theo nhóm

Hội thảo cũng nghe chia sẻ của các đại biểu khách mời từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Hoa Kỳ, Canada, Anh, Thái Lan, Hàn Quốc về quy trình phối hợp liên ngành, liên quốc gia trong xử lý khủng hoảng truyền thông liên quan đến tình huống phóng xạ.

Đại biểu nhận chứng chỉ tham dự Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, các đại biểu đều cho rằng nội dung và các bài tập thảo luận là rất cần thiết trong bối cảnh đa số các nước mới chỉ chú trọng tập trung nghiên cứu các vấn đề về kỹ thuật và tổ chức ứng phó sự cố, chưa phát triển chuyên sâu theo từng mảng công tác trong ứng phó sự cố, đặc biệt là vấn đề truyền thông cộng đồng. Làm tốt công tác này sẽ tránh người dân hoang mang, phản bác, phân loại các thông tin sai lệch, xấu độc, giúp nhanh chóng ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự, xã hội, đẩy nhanh công tác ứng phó và khắc phục tình huống phóng xạ.

Cao Đăng Lưu – TT81

Thống kê

  • 0
  • 2,048
  • 453,164

Cổng TTDT Chính phủ

Báo Quân đội nhân dân·