CƠ QUAN ĐẦU MỐI QUỐC GIA VIỆT NAM
VỀ PHÒNG, CHỐNG PHỔ BIẾN VŨ KHÍ HỦY DIỆT HÀNG LOẠT

CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC 81

Kết quả Phiên họp toàn thể của FATF-MONEYVAL, ngày 12-13 tháng 6 năm 2025

Trong hai ngày 12 và 13 tháng 6 năm 2025 đã diễn ra Phiên họp toàn thể của FATF và MONEYVAL tại trụ sở Hội đồng Châu Âu ở Strasbourg, Pháp. Phiên họp do Chủ tịch FATF bà Elisa de Anda Madrazo và Chủ tịch MONEYVAL, ông Nicola Muccioli đồng chủ trì, nhấn mạnh quyết tâm toàn cầu trong việc ngăn chặn các hoạt động tội phạm tài chính. MONEYVAL là Nhóm Chống rửa tiền của Hội đồng châu Âu, một trong 9 tổ chức kiểu khu vực của FATF.

Hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quan sát đã cùng tham gia thảo luận chuyên sâu, tập trung vào các vấn đề liên quan đến phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Sau khi tham vấn với nhiều bên liên quan, phiên họp đã thông qua các điều chỉnh đối với Khuyến nghị FATF, nhằm nâng cao an toàn và bảo mật cho các giao dịch thanh toán xuyên biên giới. Những thay đổi này cũng phù hợp với sáng kiến của G20 nhằm hướng tới thanh toán nhanh hơn, chi phí thấp hơn, minh bạch hơn và dễ tiếp cận hơn.

Phiên họp cũng đánh dấu bước ngoặt quan trọng với việc thông qua Báo cáo đánh giá đa phương của Latvia. Đây là báo cáo đầu tiên trong chu kỳ đánh giá mới, tập trung vào hiệu quả thực thi trong công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Ba quốc gia thành viên của MONEYVAL hiện đang chịu sự giám sát tăng cường (nằm trong Danh sách Xám) là Cộng hòa Séc, Georgia và Slovakia cũng đã trình bày tiến độ khắc phục những thiếu sót về Tuân thủ kỹ thuật. Các quốc gia này sẽ tiếp tục báo cáo lại vào tháng 12 năm 2025.

Phiên họp đã thông qua một số báo cáo và tài liệu sẽ được công bố trong thời gian tới, nhằm hỗ trợ các nước chủ động phòng ngừa và ứng phó với các rủi ro tài chính bất hợp pháp mới. Trong đó có các hướng dẫn mới giúp mở rộng tiếp cận tài chính cho người dân trên toàn thế giới, đặc biệt là các nhóm “dễ bị tổn thương”.

FATF cũng thống nhất triển khai các quy định mới để ngăn ngừa việc áp dụng sai các biện pháp đối với các tổ chức phi lợi nhuận, tránh làm ảnh hưởng tới các hoạt động nhân đạo hợp pháp.

Về danh sách các khu vực pháp lý cần theo dõi, Phiên họp quyết định đưa Bolivia và Quần đảo Virgin thuộc Anh vào Danh sách giám sát tăng cường (Danh sách xám), trong khi Croatia, Mali và Tanzania đã được rút khỏi danh sách sau khi có tiến triển đáng kể và hoàn thành các cam kết trong Kế hoạch hành động quốc gia.

Lệnh đình chỉ tư cách thành viên FATF đối với Liên bang Nga vẫn được giữ nguyên, FATF tiếp tục cảnh báo các nước cần cảnh giác với những rủi ro liên quan đến hành vi trốn tránh lệnh trừng phạt của Nga.

Một số nội dung trọng điểm khác của Phiên họp bao gồm:

  1. Cập nhật Khuyến nghị 16 của FATF

FATF đã phê duyệt điều chỉnh đối với Khuyến nghị 16 liên quan đến thanh toán xuyên biên giới trên 1.000 USD/EUR (tương đương 26.00.000 VNĐ). Các thay đổi này nhằm xác định rõ danh tính người gửi và người nhận, giúp phát hiện tội phạm dễ hơn, đồng thời đơn giản hóa yêu cầu thu thập thông tin trong các giao dịch.

Tiêu chuẩn mới sẽ được công bố vào ngày 18/6/2025 và sẽ có hiệu lực từ năm 2030.

  1. Thúc đẩy tài chính toàn diện và tiếp cận dựa trên cơ sở rủi ro

FATF thông qua hướng dẫn mới giúp các tổ chức tài chính áp dụng linh hoạt hơn với những khách hàng có rủi ro thấp, từ đó mở rộng tiếp cận tài chính. FATF cũng thông qua bộ công cụ đánh giá rủi ro quốc gia mới, đồng thời điều chỉnh phương pháp đánh giá để nhấn mạnh hơn đến phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro.

Điều này giúp hỗ trợ hàng tỷ người trên thế giới những người chưa tiếp cận được dịch vụ ngân hàng dễ dàng tham gia vào hệ thống tài chính chính thức.

  1. Bảo vệ tổ chức phi lợi nhuận (NPO)

FATF đã thông qua quy trình mới nhằm xử lý hậu quả không mong muốn do áp dụng sai tiêu chuẩn đối với các tổ chức phi lợi nhuận. Quy trình này sẽ giúp FATF và các đối tác toàn cầu nhanh chóng phát hiện và điều chỉnh các trường hợp áp dụng sai.

  1. Phòng chống tài trợ phổ biến vũ khí và trốn tránh trừng phạt

FATF sẽ sớm công bố báo cáo cập nhật về các hoạt động tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và các phương thức trốn tránh trừng phạt, góp phần hỗ trợ các nước và khu vực tư nhân thực hiện tốt hơn nghĩa vụ phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Bên cạnh đó, một báo cáo toàn cầu về tài trợ khủng bố với sự đóng góp từ hơn 80 quốc gia cũng sẽ được công bố, cung cấp cái nhìn toàn diện về cách thức huy động, chuyển tiền, lưu giữ và sử dụng tiền của các tổ chức khủng bố trên thế giới.

  1. Tăng cường hợp tác quốc tế

FATF đã phê duyệt các nguồn lực mới để hỗ trợ phát hiện, điều tra và truy tố tội phạm rửa tiền, thông qua hợp tác với Nhóm Egmont, Interpol và Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm.

Ngoài ra, ngày 14/6/2025, FATF sẽ tổ chức một sự kiện bên lề quy tụ các nhà tài trợ và đơn vị hỗ trợ kỹ thuật để củng cố năng lực của các nước trong Mạng lưới toàn cầu. Lãnh đạo các tổ chức khu vực theo mô hình FATF cũng sẽ tham dự cuộc họp cấp cao nhằm tăng cường trao đổi, phối hợp và chia sẻ kinh nghiệm.

Phiên họp cũng có sự tham gia của một số quốc gia mới như Kenya, Quần đảo Cayman và Senegal nhằm thể hiện tính bao trùm và phản ánh sự đa dạng về khu vực trong FATF.

fatf-gafi.org

Nguyễn Thanh Tùng – CQTT81

 

Thống kê

  • 0
  • 2,799
  • 1,554,078

Cổng TTDT Chính phủ

Báo Quân đội nhân dân·