CƠ QUAN ĐẦU MỐI QUỐC GIA VIỆT NAM
VỀ PHÒNG, CHỐNG PHỔ BIẾN VŨ KHÍ HỦY DIỆT HÀNG LOẠT

CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC 81

Những gì các tổ chức tài chính nên biết và thực hiện để chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt

Ngày nay, việc các công ty, tập đoàn không công bố mục đích kinh doanh cuối cùng trong các hồ sơ, tài liệu hoặc thậm chí không chi tiết hoạt động kinh doanh trên trang web chính thức, hoàn toàn có thể bị lợi dụng cho các hành vi bất hợp pháp như trường hợp cho việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) của Mingzheng, một công ty có trụ sở tại Hồng Kông, đã thay mặt cho một ngân hàng ngoại thương liên quan đến chương trình WMD của Bình Nhưỡng gửi và nhận chuyển khoản bằng đô la Mỹ. Vào năm 2017, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) đã đệ đơn kiện tịch thu tài sản dân sự trị giá 1,9 triệu USD liên quan đến Mingzheng. Số tiền này được giữ tại sáu tổ chức tài chính (FIs) của Hoa Kỳ.

Không giống như rửa tiền và tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến WMD là một thách thức khó tiếp cận hơn. Bài viết này mô tả các rủi ro tài trợ phổ biến WMD, các phương pháp thường được sử dụng bởi những tổ chức, cá nhân và đưa ra một số ý tưởng về cách FIs có thể đóng góp vào cuộc chiến chống lại sự phổ biến của vật liệu, thành phần và công nghệ liên quan WMD.

VŨ KHÍ HUỶ DIỆT HÀNG LOẠT

Có ba loại WMD: vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học. Vũ khí hạt nhân có sức tàn phá khủng khiếp nhất ở khả năng hủy diệt và giết chóc trên diện rộng. Nếu một quả bom hạt nhân 10 kiloton (tương đương quả bom được Triều Tiên thử nghiệm năm 2013) thả xuống Washington. DC, một quả cầu lửa có bán kính gần 500 feet (khoảng 152.4m) sẽ bao trùm thành phố. Liều phóng xạ mức cao trong bán kính gần 1km sẽ khiến 50-90% số người có thể tử vong nếu không được trợ giúp y tế (thậm chí một số người trong đó sẽ tử vong trong vòng vài giờ).

Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) được ký kết vào năm 1968. Trong đó, năm quốc gia được công nhận sở hữu kho vũ khí hạt nhân ngày nay gồm: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đã ký hiệp ước này. Hiệp ước được thiết kế để giới hạn số lượng các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là năm, nhưng Ấn Độ, Pakistan và Israel chưa bao giờ ký nó và vẫn tiếp tục chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình. Triều Tiên, trước đây là thành viên của NPT, đã rời khỏi Hiệp ước năm 2003. Nước này hiện có 20-30 đầu đạn vũ khí hạt nhân và đủ nguyên liệu hạt nhân để chế tạo 30-60 vũ khí hạt nhân khác. Có gần 14.000 vũ khí hạt nhân trên thế giới ngày nay. Chúng đủ để giết chết toàn bộ hành tinh nhiều lần, và hơn 90% tổng số vũ khí hạt nhân thuộc về Mỹ và Nga.

Vũ khí hóa học bao gồm chất độc thần kinh, chất gây phồng rộp, chất gây nghẹt thở, chất độc toàn thân,.. Hiện nay, một số quốc gia bị nghi ngờ hoặc xác nhận có các chương trình phát triển vũ khí hóa học. Chính phủ Syria đã từng bị cáo buộc sử dụng khí clo để chống lại chính công dân của mình.

Luật pháp quốc tế cũng cấm vũ khí sinh học, nhưng một số quốc gia bị nghi ngờ tiến hành nghiên cứu phục vụ chiến tranh sinh học. Vũ khí hóa học và sinh học không có sức công phá mạnh mẽ như vũ khí hạt nhân, nhưng chúng có thể gây ra những tổn thương lâu dài và cái chết đau đớn.

Các chủ thể phi nhà nước, chẳng hạn như các tổ chức và cá nhân khủng bố, cũng có thể sử dụng WMD, như trường hợp tổ chức giáo phái Aum Shinrikyo sử dụng khí Sarin trong tàu điện ngầm ở Tokyo hay qua việc gửi các bức thư có chứa mầm bệnh than gửi cho các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ.

PHÒNG CHỐNG PHỔ BIẾN WMD

Ngày nay, việc ngăn chặn sự phổ biến của WMD không phải là làm thế nào để vũ khí làm sẵn rơi vào tay những kẻ phổ biến. Mà thực chất, đó là tìm cách ngăn chặn việc sở hữu, mua bán bất hợp pháp các thành phần và vật liệu có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hoặc tên lửa dùng để vận chuyển chúng. Thách thức là các thành phần và vật liệu như vậy bao gồm hàng hóa và công nghệ lưỡng dụng, có ứng dụng cả mục đích hòa bình và quân sự. Các nền kinh tế trên thế giới phụ thuộc vào những hàng hóa và công nghệ này và các công ty luôn cần mua chúng một cách kịp thời và hiệu quả.

Hàng hóa, công nghệ lưỡng dụng là gì? Ví dụ, thiết bị kích hoạt tia lửa (một vật thể nhỏ, có hình dạng ống chỉ) là thứ không thể thiếu trong máy tán sỏi (thiết bị này truyền sóng xung kích điện từ qua bồn nước trong khi bệnh nhân ngồi bên trong, cho phép những viên đá bị nghiền rời khỏi cơ thể một cách tự nhiên). Tuy nhiên, thiết bị này cũng được sử dụng để đáp ứng các đặc tính kỹ thuật cụ thể để kích hoạt vụ nổ thiết bị hạt nhân.

Làm thế nào có thể đảm bảo rằng các quốc gia có thể giao dịch hàng hóa và công nghệ lưỡng dụng mà không tạo “khoảng trống” cho sự phổ biến WMD? Câu trả lời là kiểm soát xuất khẩu.

Có bốn cơ chế kiểm soát xuất khẩu đa phương chính, gồm: Nhóm Australia (AG), Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG), Cơ chế kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR) và Thỏa thuận Wassenaar (WA). Mỗi cơ chế với quy định kiểm soát nhóm hàng hóa và công nghệ cụ thể như sinh học và hóa học, hạt nhân, tên lửa và vũ khí thông thường. Tất cả bốn cơ chế kiểm soát trên đều thường xuyên cập nhật danh sách các mặt hàng cần chú ý thêm khi giao dịch. Các quốc gia có hệ thống kiểm soát xuất khẩu tiên tiến áp dụng các danh sách kiểm soát này và yêu cầu giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, trung chuyển, môi giới và các hoạt động khác liên quan đến hàng hóa đó. Điều này có nghĩa là trong thực tế, một công ty muốn bán hàng hóa lưỡng dụng của mình cho một công ty khác ở nước ngoài trước tiên phải đến gặp Chính phủ của họ và xin giấy phép xuất khẩu.

Ngoài ra, các Nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UN) và các hệ thống luật pháp của từng quốc gia riêng lẻ cũng góp phần ngăn chặn các tổ chức, cá nhân có ý định phổ biến WMD thông qua việc mua bán hàng hóa lưỡng dụng.

HOẠT ĐỘNG TÀI TRỢ PHỔ BIẾN DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO?

Mục tiêu của những kẻ phổ biến WMD là thông qua những kẽ hở của pháp luật, thu được hàng hóa có thể đóng góp cho các chương trình WMD. Mạng lưới phổ biến có đủ quy mô và cách thức. Những người mua hàng hóa lưỡng dụng có thể được kết nối trực tiếp với các quốc gia sở hữu WMD hoặc tham gia vào thị trường bất hợp pháp.

Một trong những kỹ thuật tiêu chuẩn mà các tổ chức, cá nhân thường sử dụng là mua hàng hóa thấp hơn một chút so với ngưỡng kiểm soát. Điều này có nghĩa là trừ khi các công ty xuất khẩu cực kỳ cảnh giác, vì khi đó những kẻ phổ biến WMD không  xin giấy phép xuất khẩu và chịu sự giám sát của các cơ quan Chính phủ.

Có một phương pháp khác mà những kẻ phổ biến WMD thường sử dụng để tránh sự giám sát và cấp phép của Chính phủ là họ giả vờ như đang đặt hàng cho một công ty trong nước. Trong những trường hợp như vậy, các công ty cung cấp không phải xin giấy phép.

Những kẻ phổ biến khai báo không trung thực về mục đích sử dụng cuối cùng và người dùng cuối, cũng như luôn núp sau các công ty bình phong, vỏ bọc. Họ không bao giờ tuyên bố rằng họ đang mua các linh kiện cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên, chương trình tên lửa của Iran hay kho vũ khí hóa học của Syria. Thường thấy, họ có thể nói với một công ty cung cấp, họ cần hàng hóa cho nghiên cứu khoa học hoặc các mục đích hòa bình. Năm 2006, một công ty của Iran đã đặt mua các thiết bị nghiên cứu sinh học nhạy cảm từ Na Uy được ngụy trang thành một phòng thí nghiệm khoa học. Khi xem xét kỹ hơn, nhà cung cấp Na Uy đã xác định rằng thiết bị mà người Iran tìm kiếm có kỹ thuật vượt trội so với những gì cần thiết cho phòng thí nghiệm dân sự và nó không phù hợp với cách bố trí thông thường của một phòng thí nghiệm.

Một phương pháp khác được Triều Tiên đặc biệt ưa chuộng là sử dụng vỏ bọc ngoại giao trong việc mua sắm và gây quỹ liên quan đến phổ biến vũ khí hạt nhân. Báo cáo năm 2019 của Hội đồng chuyên gia về Triều Tiên của Liên hợp quốc ghi nhận, một xu hướng tồn tại lâu nay là các nhà ngoại giao Triều Tiên ở nước ngoài đóng vai trò là đại lý mua sắm cho chương trình WMD của quốc gia họ và sử dụng tài khoản ngân hàng của họ ở các nước đang phát triển để thanh toán hàng hóa. Iran cũng được biết đến với việc lạm dụng các thể chế nhà nước để trốn tránh một loạt các biện pháp trừng phạt. Ví dụ, các quan chức từ Ngân hàng Trung ương Iran đã giúp đỡ các mạng lưới bất hợp pháp hoạt động thay mặt cho Iran.

Càng ngày, các công ty vận tải biển và tàu thuyền càng được lợi dụng để trốn tránh các lệnh trừng phạt. Ví dụ, Iran và Triều Tiên làm giả tài liệu, treo cờ tàu và tắt hệ thống nhận dạng tự động để tránh bị phát hiện trong quá trình vận chuyển hàng hóa bất hợp pháp.

Các công ty cung ứng lớn có nguồn lực để triển khai các chương trình tuân thủ nội bộ hiệu quả, giúp họ phát hiện bất kỳ đơn đặt hàng đáng ngờ nào. Nhưng một số công ty, đặc biệt là những công ty nhỏ hơn, không có nguồn lực để đầu tư vào việc tuân thủ và vẫn chủ quan trong vấn đề này. Trong một số trường hợp, các công ty hoặc cá nhân của nhà cung cấp biết chính xác những gì họ đang làm nhưng vì lợi nhuận lại bỏ qua các nguy cơ rủi ro. Ví dụ: Công ty MKS Instruments có trụ sở tại Hoa Kỳ đã gửi các bộ chuyển đổi áp suất cho công ty con ở Trung Quốc sau khi xin giấy phép xuất khẩu hợp lệ của Hoa Kỳ, vì nghĩ rằng hàng hóa sẽ được sử dụng ở Trung Quốc mà không biết rằng bộ chuyển đổi áp suất có thể được sử dụng trong máy ly tâm làm giàu uranium, giúp sản xuất nhiên liệu hạt nhân để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Những người phổ biến cần phải trả tiền cho những mặt hàng họ mua và trong hầu hết các trường hợp, họ phải thực hiện điều đó thông qua một hệ thống tài chính chính thức, khiến các FIs trở thành một phần trong kế hoạch phổ biến của họ. Đối với các giao dịch tài chính hỗ trợ hoạt động phổ biến, họ sử dụng các công ty bình phong và vỏ bọc, các đại lý và nhà môi giới, đồng thời tham gia vào các kế hoạch phức tạp nhằm che giấu mục đích thực sự của các giao dịch.

CÁC TỔ CHỨC TÀI CHÍNH CÓ THỂ LÀM GÌ?

Mức độ kiểm soát tài chính phổ biến hiện nay trên toàn thế giới đang ở giai đoạn đầu. Phần lớn các chính phủ và FIs đang xem nhẹ hoặc nhận thức chưa đầy đủ về biện pháp kiểm soát tài trợ phổ biến. Đối với họ, việc thực hiện các biện pháp trừng phạt tương đương với việc hạn chế tài trợ phổ biến WMD. Trên thực tế, rủi ro phổ biến WMD vượt ra ngoài những gì mà lệnh trừng phạt bao trùm. Các biện pháp trừng phạt theo thiết kế là phản ứng, trừng phạt và ngăn chặn những kẻ phổ biến WMD đã biết. Để thực sự hiệu quả, các biện pháp kiểm soát tài chính phải tạo ra một mạng lưới rộng hơn để ngăn chặn bất kỳ ai cố gắng tham gia vào hoạt động bất hợp pháp.

Các biện pháp giảm thiểu rủi ro tài trợ phổ biến WMD

Ngay cả trong nhiệm vụ hẹp là thực thi các biện pháp trừng phạt, FIs phải đối mặt với nhiều thách thức. Chúng bao gồm một số lượng lớn thông báo sai khi quét danh sách bị trừng phạt, không có khả năng xác định các giao dịch liên quan đến phổ biến WMD do thiếu thông tin, cũng như năng lực và các kỹ thuật “qua mắt” được sử dụng bởi những kẻ phổ biến.

Như vậy về cơ bản, một mình FIs không thể ngăn chặn hoặc phát hiện ra rủi ro tài chính phổ biến. Lý do chính cho điều này là khoảng cách và sự khó kết nối giữa các giao dịch tài chính và hàng hóa liên quan đến phổ biến. Các công ty cung cấp hiểu rõ sản phẩm của họ nhất, hiểu cách sử dụng sản phẩm và có thể từ chối cung cấp chúng cho những người dùng cuối khả nghi. Họ sẽ là tuyến phòng thủ đầu tiên để ngăn chặn sự phổ biến. Các cơ quan cấp phép kiểm soát xuất khẩu và nhập khẩu là tuyến phòng thủ thứ hai, vì họ có thể từ chối cấp phép hàng hóa xuất hoặc nhập cảnh vào quốc gia đó. Cuối cùng, các quan chức hải quan và an ninh biên giới là tuyến phòng thủ thứ ba. Họ có quyền tiếp cận các tài liệu liên quan (giấy phép, mô tả hàng hóa, vận đơn hạ cánh, v.v.) và có thể kiểm tra thực tế hàng hóa nếu cần.

Tuy nhiên, FIs có thể và nên đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại việc phổ biến WMD. Dưới đây là một số ý tưởng về các bước tương đối dễ dàng mà FIs có thể thực hiện để tăng cường năng lực thực hiện các biện pháp kiểm soát chống tài trợ phổ biến WMD, bao gồm áp dụng các phương pháp và kỹ thuật từ hoạt động kiểm soát xuất khẩu.

TUYẾN PHÒNG THỦ ĐẦU TIÊN: TÍCH HỢP THÀNH PHẦN TÀI TRỢ PHỔ BIẾN VÀO QUY TRÌNH NHẬN BIẾT KHÁCH HÀNG

Các tổ chức tài chính nên bắt đầu từ một chương trình dành riêng cho việc chống tài trợ phổ biến WMD trong quy trình nhận biết khách hàng (KYC) của mình.

Thứ nhất, hồ sơ khách hàng phải bao gồm thông tin về ngành nghề kinh doanh và cho biết liệu hoạt động kinh doanh có liên quan đến hàng hóa lưỡng dụng hay không. Các cơ quan chính phủ phụ trách thương mại, công nghiệp và kiểm soát xuất khẩu có thể cung cấp hướng dẫn cho ngành tài chính về các công ty có liên quan xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa lưỡng dụng ở một quốc gia nhất định. Thông tin chi tiết hơn về loại hình và hoạt động kinh doanh có thể được trực tiếp yêu cầu từ khách hàng như một phần quy trình của dịch vụ.

Thứ hai, là một phần của KYC, FIs nên xem xét sử dụng dữ liệu từ nhiều danh sách hơn ngoài danh sách ràng buộc về mặt pháp lý của quốc gia sở tại. Tại Hoa Kỳ, Cục Công nghiệp và An ninh cung cấp danh sách các bên đáng lo ngại bao gồm danh sách những người bị từ chối, danh sách thực thể, danh sách chưa được xác minh và danh sách sàng lọc hợp nhất. Tại Nhật Bản, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp cung cấp cho ngành của mình “danh sách người dùng cuối”. Các quốc gia khác phát triển danh sách của riêng họ. Ngoài các chính phủ, các tổ chức quốc tế cũng như các nhà cung cấp thương mại phát triển danh sách các bên bị nghi ngờ liên quan đến phổ biến WMD vì mục đích tuân thủ kiểm soát xuất khẩu. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc nhập nhiều danh sách hơn vào phần mềm quét có thể làm tăng số lượng xác thực sai.

Thứ ba, ngay cả việc xem xét kỹ lưỡng các địa chỉ thực tế và số điện thoại được cung cấp tại thời điểm ban đầu của khách hàng cũng có thể giúp phát hiện ra những “ dấu hiệu cờ đỏ” sớm. Ví dụ, không có gì lạ khi các đại lý mua sắm thay mặt cho Triều Tiên sử dụng các địa chỉ như các đại sứ quán/văn phòng đại diện của Triều Tiên. Ngoài ra, các công ty bình phong của Triều Tiên thường chia sẻ người quản lý, chủ sở hữu và số điện thoại.

Thứ tư, để đối phó với xu hướng các nhà ngoại giao Triều Tiên và các cá nhân mang hộ chiếu ngoại giao Triều Tiên đóng vai trò là đại lý thu mua, FIs có thể xem xét đưa ra các thủ tục yêu cầu đặc biệt để công dân Triều Tiên mở tài khoản. Các thủ tục như vậy có thể bao gồm xác nhận rằng các nhà ngoại giao Triều Tiên được công nhận làm việc tại một quốc gia nhất định, ràng buộc thời hạn của tài khoản với thời gian chính thức được công nhận tại quốc gia đó và đảm bảo rằng các nhà ngoại giao Triều Tiên không mở nhiều tài khoản dưới tên của các cộng sự hoặc công ty bình phong của họ.

TUYẾN PHÒNG THỦ THỨ HAI: GIÁM SÁT GIAO DỊCH

Giám sát giao dịch cũng nên tích hợp một thành phần của chương trình chống tài trợ phổ biến.

Thứ nhất, các giao dịch liên quan đến tài khoản của các cá nhân và tổ chức được xác định là nhạy cảm sẽ tự động nhận được sự giám sát liên tục nhiều hơn. Ví dụ, các nhà ngoại giao Triều Tiên; các cá nhân có thể liên quan đến các hoạt động bị chỉ định; các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa lưỡng dụng hoặc thường liên quan đến các hoạt động tài trợ phổ biến như công ty vận chuyển, nhà thương mại, nhà trao đổi,…

Thứ hai, cần rất thận trọng khi quét tên của tất cả các bên tham gia giao dịch đối với các danh sách đó như một phần của quy trình. Việc kết hợp quét các danh sách liên quan đến phổ biến WMD cần thận trọng khi cung cấp các dịch vụ tài chính thương mại xuyên biên giới.

Thứ ba, để giúp quản lý rủi ro, hồ sơ khách hàng cần toàn diện hơn ngày từ thời điểm giới thiệu xác định khách hàng kinh doanh hàng hóa lưỡng dụng. Các FI cần cảnh giác với các giao dịch mới hoặc bất thường của những khách hàng đó. Tương tự, việc có ý tưởng rõ ràng về ngành nghề kinh doanh của khách hàng sẽ cảnh báo các FI về các giao dịch không tương ứng (ví dụ: một công ty không liên quan gì đến hàng hóa lưỡng dụng đột nhiên bắt đầu thực hiện các giao dịch liên quan đến chúng).

Thứ tư, FIs nên áp dụng các biện pháp kiểm soát phù hợp hơn để giám sát các giao dịch liên quan đến hàng hóa lưỡng dụng. Giờ đây, việc giám sát giao dịch bao gồm việc xem xét thủ công tất cả các tài liệu giấy tờ và sàng lọc các bên tham gia giao dịch dựa trên giải pháp đã chọn (phần mềm quét danh sách). Tuy nhiên, không phải tất cả các bên đều có thể được nắm bắt trong quy trình, vì chữ ký của họ không đọc được hoặc vì họ không phải là bên chủ chốt trong giao dịch. Xem xét thủ công các tài liệu thương mại để xác định các bên và hàng hóa liên quan dường như không đủ để xác định hoạt động phổ biến vũ khí hạt nhân. Một vài giải pháp kỹ thuật mới nổi có thể hữu ích trong vấn đề này. Nền tảng tài trợ thương mại dựa trên chuỗi khối thí điểm Voltron của HSBC được thiết kế để tăng tính minh bạch và giảm thời gian giao dịch. Mặc dù việc giảm thời gian giao dịch có thể là động lực thương mại chính cho một nền tảng như vậy, nhưng việc tăng cường tính minh bạch đối với tất cả các bên trong chuỗi cung ứng sẽ giúp FI hiểu rõ hơn về các bên và hàng hóa liên quan. Một cách tiếp cận sáng tạo khác có thể phù hợp liên quan đến việc thu thập dữ liệu phi cấu trúc, chẳng hạn như dữ liệu chuyển khoản, bản ghi nhớ giao dịch, dữ liệu trường hợp, báo cáo hoạt động đáng ngờ (SAR), tin tức tiêu cực, nội dung email/điện thoại/cuộc trò chuyện, yêu cầu thực thi pháp luật và tài liệu thương mại. Những người ủng hộ phương pháp này chỉ ra rằng những công cụ như vậy có thể giúp đưa ra những hiểu biết và mô hình mới về một hoạt động bất hợp pháp tiềm ẩn.

Thứ năm, cần đưa yếu tố địa lý vào hệ thống giám sát giao dịch. Ví dụ, Đánh giá rủi ro tài trợ phổ biến quốc gia (NPFRA) của Hoa Kỳ lưu ý rằng nhiều công ty bình phong của Triều Tiên có trụ sở tại Trung Quốc hoặc sử dụng các ngân hàng Trung Quốc. Mặc dù việc đặt cảnh báo cho toàn bộ quốc gia (trong trường hợp này là Trung Quốc) có thể không hiệu quả, nhưng FIs có thể cân nhắc việc chịu sự giám sát kỹ lưỡng hơn đối với các giao dịch liên quan đến các thành phố và vùng lãnh thổ cụ thể nơi các đại lý Triều Tiên có xu hướng hoạt động nhiều nhất. NPFRA chỉ ra các thành phố Đại Liên, Đan Đông, Cẩm Châu và Thẩm Dương ở tỉnh Liêu Ninh cũng như Hồng Kông là các ví dụ. Tương tự, FIs có thể tạo cảnh báo cho các “điểm nóng” khác dựa trên dữ liệu sẵn có về các trường hợp tài trợ phổ biến.

Thứ sáu, việc gửi SAR đối với bất kỳ giao dịch nào nghi ngờ có thể giúp phát hiện ra các mạng lưới liên quan đến phổ biến WMD, ngay cả khi FIs không thể xác định liệu các giao dịch có liên quan đến sự phổ biến hay không. Điều này làm giảm nguy cơ những kẻ phổ biến che giấu người dùng cuối đằng sau các công ty bình phong và các kế hoạch thanh toán phức tạp.

Thứ bảy, FIs nên chú ý nhiều hơn đến các giao dịch liên quan đến ngành vận tải biển. Ví dụ, bằng cách cung cấp thư tín dụng cho các mạng lưới thương mại hỗ trợ chuyển giao từ tàu này sang tàu khác, FIs đã vô tình giúp Triều Tiên lách lệnh trừng phạt. Các FI có thể xem xét áp dụng các thủ tục thẩm định nghiêm ngặt hơn và các điều kiện chặt chẽ hơn đối với các giao dịch liên quan đến hoạt động vận chuyển trong các tình huống rủi ro cao.

Cuối cùng, FIs có thể xem xét sửa đổi hợp đồng dịch vụ tài trợ thương mại để cho phép một tổ chức ra khỏi giao dịch hoặc mối quan hệ mà không bị phạt nếu khách hàng không xác định được các giao dịch liên quan đến hàng hóa lưỡng dụng hoặc nếu có những lo ngại khác về giao dịch.

PHẦN KẾT LUẬN

Nguy cơ phổ biến WMD ngày càng cao và có mức độ tinh vi hơn, vì vậy các FI có trách nhiệm đặc biệt trong việc theo đuổi mục tiêu chung là ngăn chặn cuộc tấn công hạt nhân, sinh học hoặc hóa học trong tương lai. Rủi ro tài trợ phổ biến khó nắm bắt và vận hành hơn so với rửa tiền và tài trợ khủng bố. Tuy nhiên, có những bước mà FIs có thể thực hiện ngay hôm nay để chống lại các nguy cơ này.

Tài liệu:

https://www.acamstoday.org/proliferation-financing-what-financial-institutions-should-know-and-what-they-can-do/

https://carnegieendowment.org/posts/2018/05/challenges-with-implementing-proliferation-financing-controls-how-export-controls-can-help?lang=en

Thanh Tùng – TT81

Thống kê

  • 0
  • 2,048
  • 453,164

Cổng TTDT Chính phủ

Báo Quân đội nhân dân·