Phân tích việc gạch tên UAE khỏi danh sách xám của FATF
Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) đã được gạch tên khỏi danh sách xám của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế sau hai năm nỗ lực giải quyết các lỗ hổng trong cách tiếp cận phòng chống tội phạm tài chính.
Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) duy trì một danh sách gọi là “các khu vực pháp lý được tăng cường giám sát”, còn được gọi là danh sách xám. Danh sách này xác định các quốc gia hoặc khu vực pháp lý có điểm yếu trong cơ chế chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố (AML/CFT). Những điểm yếu đó bao gồm việc thiếu luật, quy định hoặc cơ chế thực thi để chống tội phạm tài chính. Danh sách xám đóng vai trò như một lời cảnh báo đối với các quốc gia này, khuyến khích họ thực hiện các hành động ngay lập tức và có hiệu quả để giải quyết những thiếu sót đã được xác định và cải thiện khuôn khổ AML/CFT của mình nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn và kỳ vọng quốc tế.
Việc UAE được gạch tên khỏi danh sách của FATF thể hiện cam kết tăng cường khung pháp lý tài chính và là một bước quan trọng hướng tới khôi phục niềm tin toàn cầu về khả năng chống rửa tiền.
Để hiểu những tác động đằng sau việc UAE được gạch tên khỏi danh sách xám, chúng tôi đã phỏng vấn ba chuyên gia tài chính đang làm việc tại vùng Trung Đông. Cuộc thảo luận của chúng tôi đề cập đến việc gạch tên UAE có thể ảnh hưởng như thế nào đến các chủ sở hữu tổ chức hiện tại, sự phức tạp về quy định, nghĩa vụ tuân thủ, v.v.
Điều gì đã dẫn đến việc Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính gạch tên UAE khỏi danh sách xám?
Assam: FATF đã thêm UAE vào danh sách xám vào tháng 3 năm 2022 và đưa ra các khuyến nghị để giúp quốc gia này lấy lại vị thế tốt và để được ra khỏi danh sách. Các văn phòng chính phủ và cơ quan quản lý chủ chốt của UAE sau đó đã tích cực tham gia với cộng đồng doanh nghiệp UAE để thực hiện các khuyến nghị của FATF một cách hiệu quả.
Trong khi duy trì các yêu cầu pháp lý cốt lõi, UAE đã cập nhật các hướng dẫn dành cho các tổ chức tài chính (FIs) và các doanh nghiệp và ngành nghề phi tài chính bị chỉ định [DNFBPs], thể hiện cam kết của họ trong việc tăng cường khung pháp lý tài chính của đất nước trong các lĩnh vực chủ chốt.
Ngoài ra, chính quyền UAE đã tham gia vào một chiến dịch truyền thông pháp lý và quy định đang diễn ra, nêu bật các yêu cầu mới và cập nhật. Truyền thông bao gồm các hội thảo đào tạo, tiếp theo là các tài liệu hướng dẫn và bảng câu hỏi. Yếu tố chính của những nỗ lực này là các cơ quan quản lý của UAE đã tăng tần suất đánh giá của họ. Khi họ phát hiện ra những sai sót nghiêm trọng trong các biện pháp kiểm soát theo quy định bắt buộc, họ sẽ tiến hành các biện pháp khắc phục và phạt nặng. Ví dụ: vào tháng 3 năm 2023, Bộ Kinh tế (MOE) đã áp dụng mức phạt trị giá 22,6 triệu AED đối với 29 công ty hoạt động trong lĩnh vực DNFBPs vì không tuân thủ luật AML-CFT.
Một số tác động tích cực cụ thể của những sáng kiến và nỗ lực thực thi này là gì?
Assam: Họ đã giúp bối cảnh thương mại phát triển mạnh đồng thời đảm bảo tiêu chuẩn cao hơn về thẩm định AML ở cả khu vực công và tư nhân. Chúng là nhân tố quan trọng giải thích tại sao UAE tiếp tục phát triển với tư cách là một nước đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.
Lấy một ví dụ cụ thể, vào tháng 1, UAE và Anh đã tăng cường quan hệ kinh tế. Ngài Abdulla bin Touq Al Marri, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, đã có buổi làm việc với Ngài Greg Hands, Bộ trưởng Bộ Chiến lược Kinh doanh, Năng lượng và Công nghiệp Anh. Họ đã thảo luận về những cơ hội mới cho hợp tác kinh tế và đầu tư cũng như các cách thức để tăng cường hợp tác ở cấp độ khu vực tư nhân. Tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra nếu không có các sáng kiến quản lý gần đây và việc thực thi chặt chẽ hơn của UAE.
Liệu việc tăng cường kiểm soát của UAE có ảnh hưởng đến các chủ sở hữu thực thể hiện tại của UAE không?
Rensche: Khi thành lập và hợp nhất một thực thể ở UAE, bắt buộc phải xác định chủ sở hữu hưởng lợi cuối cùng [UBO]. Chủ sở hữu của các thực thể hiện tại phải sửa đổi hồ sơ của họ để gia cx giấy phép và duy trì trạng thái hgoạt động.
Các quy tắc chống rửa tiền mới, những sửa đổi quan trọng hay các quy tắc khác mà những người hoạt động tại UAE cần phải biết là gì?
Assam: Như tôi đã đề cập, đã có một số thay đổi đáng kể đối với bối cảnh pháp lý của UAE trong vài năm qua. Ví dụ, vào năm 2021, một tòa án chuyên dụng đã được triển khai để giải quyết các vụ án phạm tội về tài chính. Luật AML-CFT của UAE (Nghị định liên bang – Luật số 26 của 2021) và khung pháp lý cho tài sản ảo (Luật Số 4 của 2022 về Quy định tài sản ảo) cũng đã được thay đổi, một phần để giảm thiểu rủi ro cho cơ quan giám sát của các tổ chức tài chính, DNFBPs và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo.
Một bước phát triển quan trọng khác là việc thông qua Bộ luật hình sự mới (Nghị định-Luật liên bang Số 31 của năm 2021) vào tháng 1 năm 2022 để bổ sung cho các quy tắc AML hiện có. Và vào tháng 12 năm 2023, Cơ quan quản lý dịch vụ tài chính của Thị trường toàn cầu Abu Dhabi (ADGM)đã công bố sửa đổi các quy tắc và hướng dẫn trừng phạt AML của mình.
Điều đáng nói là UAE hiện đã thiết lập đầy đủ một nền tảng báo cáo chống rửa tiền được gọi là goAML, cho phép các FIs và DNFBPs gửi báo cáo hoạt động đáng ngờ [SAR] khi họ nghi ngờ họ đang xử lý các quỹ liên quan đến tội phạm.
Cuối cùng, DFSA đã công bố kế hoạch kinh doanh từ năm 2023 đến năm 2024. Kế hoạch này tập trung vào việc giám sát các hệ thống và biện pháp kiểm soát tuân thủ của các công ty, đánh giá rủi ro tội phạm tài chính đối với tài sản kỹ thuật số và theo đuổi việc thực thi chắc chắn nhưng công bằng để duy trì tính toàn vẹn của thị trường.
Bạn nghĩ những phát triển này ảnh hưởng đến đầu tư vào UAE như thế nào?
Heba: Như Assam đã nói rõ, UAE đã ưu tiên xem xét khuôn khổ tuân thủ của mình và thực hiện các bước để đảm bảo môi trường pháp lý mạnh mẽ hơn trong hai năm qua. Việc UAE bị loại khỏi danh sách xám thể hiện cam kết của nước này trong việc chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, điều này sẽ làm tăng niềm tin của nhà đầu tư. Chúng tôi dự đoán rằng sẽ có dòng vốn nước ngoài chảy vào lớn hơn và giảm chi phí tuân thủ dài hạn.
Những thay đổi sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc duy trì một thực thể ở UAE?
Rensche: Chúng tôi dự đoán rằng các công ty hoạt động tại UAE sẽ chú trọng hơn vào việc tuân thủ quy định liên tục. Ban đầu, điều này có thể dẫn đến sự gia tăng chi phí và gánh nặng pháp lý. Tuy nhiên, về lâu dài, những nỗ lực đó có thể mang lại lợi ích to lớn cho các tổ chức bằng cách giảm rủi ro và chi phí tuân thủ tại địa phương, đồng thời giúp họ có được vị thế tốt để hoạt động hiệu quả ở các khu vực khác nhau.
Những thay đổi đang được thực hiện có giống nhau trên khắp UAE không?
Heba: UAE đã thực hiện những thay đổi này trên khắp các khu vực pháp lý chính của mình, bao gồm DIFC (Trung tâm tài chính quốc tế Dubai) và ADGM.
Các khu vực pháp lý này đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau, chẳng hạn như thành lập Văn phòng điều hành chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, chịu trách nhiệm cải thiện khung pháp lý và quy định về AML của UAE.
Ngoài ra, các hướng dẫn AML mới dành cho các FIs và DNFBPs đã được đưa ra nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy định chống rửa tiền và các hình phạt liên quan đối với các hành vi vi phạm. FATF thừa nhận rằng UAE đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường và duy trì một tiêu chuẩn chung về rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố trên nhiều lĩnh vực và thể chế khác nhau trong nền kinh tế.
Các yêu cầu về AML ở UAE khác nhau như thế nào so với các khu vực pháp lý khác và ai là cơ quan quản lý chính?
Assam: Có lẽ cần nhắc lại rằng bằng việc được ra khỏi danh sách xám của FATF, UAE đã chứng minh rằng các yêu cầu cốt lõi về AML của mình phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Các yêu cầu của FATF đóng một vai trò quan trọng nhằm đảm bảo tất cả các khu vực pháp lý duy trì khuôn khổ tuân thủ mạnh mẽ, bao gồm các nguyên tắc AML cốt lõi, cũng như các yêu cầu tài trợ phổ biến và bổ sung tài sản ảo gần đây.
UAE có các quy định cấp liên bang quản lý đất nước, với các hướng dẫn được thực hiện thông qua luật liên bang nêu rõ các biện pháp mà các thực thể được quản lý phải thực hiện để chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Tuy nhiên, điều có thể khác biệt giữa UAE và các khu vực pháp lý khác là các cơ quan có thẩm quyền khác nhau quản lý các khu vực tự do khác nhau, cùng với các yêu cầu quy định cụ thể của họ. Như Heba đã đề cập, hai khu vực tự do quan trọng ở UAE là DIFC và ADGM, cả hai đều có cơ quan quản lý riêng với các quy định cụ thể. Không cần phải nói, các công ty hoạt động tại UAE sẽ muốn tìm kiếm sự hướng dẫn của địa phương để đảm bảo họ hiểu các yêu cầu và giảm thiểu rủi ro dựa trên các hoạt động hiện tại và theo kế hoạch của họ.
Vũ Thu Hà – TT81 dịch, theo vistra.com