CƠ QUAN ĐẦU MỐI QUỐC GIA VIỆT NAM
VỀ PHÒNG, CHỐNG PHỔ BIẾN VŨ KHÍ HỦY DIỆT HÀNG LOẠT

CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC 81

Phòng ngừa và ngăn chặn nguy cơ phổ biến WMD

Thiếu tướng HÀ VĂN CỬ, Tư lệnh Binh chủng Hóa học, Phó trưởng thường trực Cơ quan đầu mối quốc gia về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kiểm tra khí tài trinh sát phóng xạ, hóa học do Binh chủng Hóa học nghiên cứu

Chiến tranh trong tương lai không loại trừ khả năng đối phương sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt (tiếng Anh: Weapon of Mass Destruction-WMD). Những năm gần đây, trước nguy cơ phổ biến WMD và nạn khủng bố gia tăng, Việt Nam đã phê chuẩn tất cả các điều ước quốc tế về giải trừ, chống phổ biến WMD. Để sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược, kể cả khi địch sử dụng WMD; đồng thời chủ động phòng chống có hiệu quả các sự cố, thảm họa, nguy cơ khủng bố về hoá học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là hoàn thiện mạng lưới, đón đầu các nguy cơ và đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

Vũ khí hủy diệt hàng loạt hay còn gọi là vũ khí hủy diệt lớn là các loại vũ khí được chế tạo, sản xuất có khả năng sát thương, hủy diệt trên diện rộng, gây tổn thất lớn đến rất lớn về sinh lực, phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất, môi trường sinh thái và gây hoảng loạn về tâm lý, tinh thần con người. Nó gồm: Vũ khí hạt nhân, vũ khí phóng xạ, vũ khí hóa học, vũ khí sinh học và các vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Trong lịch sử chiến tranh thế giới, WMD đã từng được sử dụng ở các quy mô và mức độ khác nhau, gây ra những hậu quả vô cùng thảm khốc. Vào ngày 22-4-1915, trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, quân đội Đức đã sử dụng khoảng 168 tấn chất độc clo dẫn đến cái chết của ít nhất 5.000 người. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, vũ khí hóa học tiếp tục được sử dụng, ví dụ quân đội Italy dùng trong cuộc chiến với Ethiopia; chất độc loét da được sử dụng trong cuộc chiến Iran-Iraq; vũ khí hóa học tiếp tục được sử dụng trong xung đột tại Syria.

Vũ khí hạt nhân đã được sử dụng hai lần. Vào giai đoạn cuối của Thế chiến thế chiến thứ hai, Mỹ đã thả quả bom nguyên tử “Little Boy” xuống thành phố Hirosima và “Fat Man” xuống thành phố Nagasaki của Nhật Bản. Hậu quả của hai vụ nổ tại Nhật Bản đã cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người.

Trên thế giới, vũ khí sinh học cũng từng được nghiên cứu, sử dụng.Trong quá khứ, Quân đội Anh đã sử dụng bệnh đậu mùa với dân bản địa châu Mỹ trong cuộc vây hãm pháo đài Pitt; quân đội Nhật Bản đã nghiên cứu, sử dụng vi khuẩn tả, sốt phát ban ở Trung Quốc; các nước đồng minh trong thế chiến thứ II đã xây dựng các cơ sở sản xuất hàng loạt bào tử bệnh than, vi khuẩn Brucella.

Đặc biệt, trong lịch sử đã từng ghi nhận hành động sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt để đạt mục đích khủng bố. Vào tháng 3-1995, các thành viên của giáo phái Aun Senrikyo sử dụng chất độc thần kinh Sarin khủng bố tàu điện ngầm ở Tokyo, dẫn đến 13 người chết và 50 người khác bị thương nặng, khoảng 5.500 nạn nhân phải nhận sự trợ giúp y tế; hay vụ khủng bố bằng vi khuẩn bệnh than ở Mỹ năm 2001, đã dẫn đến cái chết của 5 người, gây thiệt hại hàng trăm triêu đô la cho quá trình dọn dẹp, khử trùng.

Thấy được sự tàn khốc của WMD, các nước trên thế giới đã nhóm họp và thống nhất xây dựng các hiệp ước, công ước ngăn : Năm 1968 ra đời Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (tiếng anh viết tắt là NPT); năm 1972: Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí sinh học (tiếng Anh viết tắt BWC); năm 1993: Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí hóa học (tiếng Anh viết tắt CWC); năm 1996: Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (tiếng Anh viết tắt là CTBT), Việt Nam luôn tỏ rõ là thành viên tích cực khi tham gia vào các hiệp ước, công ước trên.

Trước những bất ổn an ninh chính trị ở các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là tình trạng ly khai, khủng bố, xung đột sắc tộc, tôn giáo thì nguy cơ sử dụng WMD để đạt các mục đích vẫn luôn hiện hữu. Sự tan rã của các cơ chế kiểm soát vũ khí hạt nhân, chủ trương hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của các nước sở hữu vũ khí hạt nhân gần đây đã gây ra không ít lo lắng và đe dọa cuộc sống hòa bình nhân loại, làm tăng các nguy cơ xung đột, chiến tranh.

Từ những vấn đề quan trọng này, vào cuối năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2019/NĐ-CP về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (gọi tắt là Nghị định số 81). Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao là Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và Binh chủng Hóa học được giao làm Cơ quan thường trực của Cơ quan đầu mối quốc gia ; đồng thời tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế, tập huấn, hội thảo, huấn luyện, diễn tập… từng bước đưa Nghị định số 81 đi vào thực tiễn, sát với điều kiện, đặc điểm của Việt Nam.

Tính đến nay, Cơ quan thường trực của Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (gọi tắt là Cơ quan thường trực 81) đã hoạt động tích cực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, từng bước đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về WMD cho nhân dân; đồng thời tích cực hoàn thiện mạng lưới, đón đầu, sẵn sàng các phương án để hóa giải các nguy cơ, phòng, chống khủng bố liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Cơ quan thường trực 81 đã tham mưu, giúp Bộ Quốc phòng, Chính phủ và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ đúng quy định và hiệu quả; ban hành văn bản nhằm cụ thể hóa các quy định về phòng, chống phổ biến WMD làm căn cứ xử lý tình huống liên quan đến phổ biến, tài trợ phổ biến WMD; xây dựng và tổ chức hoạt động Trang Thông tin điện tử về phòng, chống phổ biến WMD trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Quốc phòng. Cổng Thông tin điện tử của Cơ quan thường trực 81 và đường dây nóng đã kết nối với Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị để cập nhật các thông tin về công tác phòng, chống phổ biến và tài trợ phổ biến WMD. Các cơ quan chức năng và lực lượng liên quan đã tổ chức huấn luyện, tập huấn, diễn tập về năng lực sẵn sàng ứng phó với tình huống phổ biến WMD cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống phổ biến WMD, qua đó đã nâng cao nhận thức, năng lực phòng ngừa, ứng phó với tình huống phổ biến WMD cho lực lượng chuyên trách, cơ quan nhà nước và người dân.

Các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 81 và thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước theo quy định của Nghị định số 81; tổ chức thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và toàn dân về công tác phòng, chống phổ biến WMD; tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; kiểm soát các hoạt động vận tải, hoạt động xuất bản, báo chí, bưu chính, viễn thông, an toàn thực phẩm, dược phẩm, tác nhân sinh học, hóa học, vật liệu phóng xạ, hạt nhân, công nghệ và phương tiện phát tán; quản lý khu vực tài chính và hoạt động kinh doanh ngành nghề phi tài chính và cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan; kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới và trên biển nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi phổ biến và tài trợ phổ biến WMD.

Phòng, chống phổ biến WMD là nhiệm vụ mới, phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương và các quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế, nên việc nhận thức và triển khai thực hiện của một số bộ, ngành, địa phương còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Để công tác này được tiến hành đồng bộ, hiệu quả góp phần ngăn chặn mọi nguy cơ, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quốc tế thì cần sớm hoàn thiện mạng lưới, sẵn sàng đón đầu, hóa giải các nguy cơ bằng việc phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước trong tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống phổ biến WMD; nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu liên quan đến công tác phòng, chống WMD đồng bộ và chặt chẽ. Đồng thời làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị từ đó hình thành được mạng lưới để thống nhất công tác quản lý, kịp thời phát hiện hoạt động phổ biến, tài trợ phổ biến WMD phục vụ mục đích khủng bố, ngăn chặn nguy cơ phổ biến WMD quốc tế.

Cùng với đó, phải quan tâm việc nâng cao hiệu quả giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, huấn luyện, diễn tập phòng, chống phổ biến WMD; coi trọng phổ biến kiến thức trên các chương trình khoa giáo của hệ thống thông tin đại chúng, phát huy sức mạnh truyền thông của các cơ quan báo chí trong và ngoài Quân đội; tổ chức biên soạn, xuất bản, phổ biến rộng rãi trong nhân dân các loại áp phích, tờ rơi, sổ tay, trang thông tin điện tử để các kiến thức về phòng, chống phổ biến được phổ biến đến từng người dân. Các lực lượng chuyên môn cần được huấn luyện, diễn tập thường xuyên, sát với điều kiện thực tế, tránh bị động, bất ngờ khi có tình huống xảy ra. Chú trọng xây dựng nguồn lực con người, đầu tư trang bị khí tài chuyên dụng hiện đại có khả năng làm nhiệm vụ trong môi trường hợp tác quốc tế về phòng, chống phổ biến WMD; đồng thời phát huy nội lực, kết hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế trong phòng, chống phổ biến WMD.

Thiếu tướng HÀ VĂN CỬ – Tư lệnh Binh chủng Hóa học

Thống kê

  • 2
  • 1,939
  • 453,259

Cổng TTDT Chính phủ

Báo Quân đội nhân dân·