CƠ QUAN ĐẦU MỐI QUỐC GIA VIỆT NAM
VỀ PHÒNG, CHỐNG PHỔ BIẾN VŨ KHÍ HỦY DIỆT HÀNG LOẠT

CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC 81

OPCW: Sáng kiến nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm tăng cường an ninh hóa chất toàn cầu

Tại thành phố La-Hay, Hà Lan vào ngày 29 tháng 4 năm 2025, Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) đã hợp tác với bốn cơ quan khác triển khai chương trình “Sáng kiến nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI” – một sáng kiến được khởi động vào tháng 7 năm 2024, do Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh tài trợ.

Mục tiêu của chương trình là phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI nhằm tăng cường năng lực của OPCW trong việc phát hiện, phòng ngừa và ứng phó với các mối đe dọa hóa chất trong hiện tại và tương lai. Bốn tổ chức nghiên cứu đồng triển khai chương trình bao gồm: Đại học Alberta (Canada), Tổ chức Nghiên cứu khoa học ứng dụng Hà Lan, Học viện Quân sự Hàn Quốc và Phòng thí nghiệm Khoa học & Công nghệ quốc phòng Anh. Các tổ chức này được công bố tại kỳ họp lần thứ 108 của Hội đồng Điều hành OPCW. Cũng tại đây, các tổ chức đã trình bày tổng quan về dự án nghiên cứu của mình.

Đại sứ Fernando Arias – Tổng Giám đốc OPCW phát biểu “Sáng kiến nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI có tiềm năng rất lớn, giúp tìm ra các giải pháp nhằm nâng cao năng lực của OPCW trong việc bảo vệ an ninh hóa chất toàn cầu, giúp thế giới sẵn sàng đối mặt với các mối đe dọa mới. Thông qua hợp tác với các tổ chức khoa học hàng đầu, OPCW có thể tận dụng công nghệ tiên tiến để thực hiện “sứ mệnh” hướng tới một thế giới không còn vũ khí hóa học”.

Đại sứ Joanna Roper – Đại diện thường trực của Vương quốc Anh tại OPCW chia sẻ: “Vương quốc Anh nhận thấy tiềm năng to lớn của các công nghệ mới nổi, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo AI. Đây là cơ hội để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, phục vụ mục tiêu giải trừ vũ khí hóa học và tăng cường hiệu quả thực thi Công ước Cấm Vũ khí Hóa học. Do đó, tôi rất vui khi Vương quốc Anh được lựa chọn tham gia chương trình “Sáng kiến nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI” của OPCW nhằm tìm ra phương pháp tiếp cận mới, tăng cường hiệu quả công việc của OPCW thông qua trí tuệ nhân tạo AI. Và mục tiêu cuối cung vì lợi ích chung của tất cả các quốc gia thành viên. Tôi mong chờ kết quả của bốn dự án được chọn”.

“Liên minh châu Âu là một đối tác truyền thống, thường xuyên hỗ trợ các hoạt động của Hội đồng tư vấn khoa học OPCW. Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi tự hào đồng tài trợ “Sáng kiến nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI” của OPCW nhằm tăng cường việc thực thi Công ước Cấm Vũ khí Hóa học thông qua các giải pháp dựa trên trí tuệ nhân tạo AI,” Đại sứ Mika-Markus Leinonen – Sĩ quan liên lạc của EU tại La-Hay phát biểu.

““Sáng kiến nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI” của OPCW đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy đổi mới để tăng cường an ninh toàn cầu, cho phép các công nghệ tiên tiến hỗ trợ việc phát hiện, xác minh và giảm thiểu các mối đe dọa hóa chất tiềm tàng,” Đại tá Lục quân, giáo sư  Keunhong Jeong tại Học viện Quân sự Hàn Quốc phát biểu. (Ông đồng thời là thành viên Hội đồng tư vấn khoa học của OPCW).

“Chúng tôi rất vinh dự được đóng góp cho nỗ lực chung của OPCW nhằm loại bỏ vũ khí hóa học thông qua ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI” ông nói thêm.

Các dự án được xây dựng và triển vọng kết quả

Tại Đại học Alberta, Canada triển khai dự án “Xây dựng mô hình thư viện chuyên ngành hóa học ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm dự báo các chất độc mới”. Thư viện tham chiếu sẽ giúp OPCW nâng cao khả năng nhận dạng và giám sát kể cả các tác nhân hóa học chiến tranh đã biết và có thể hình thành trong tương lai.

Tại Tổ chức Nghiên cứu khoa học ứng dụng Hà Lan triển khai dự án “Phát triển các mô hình AI tự động để nhận dạng các hóa chất có trong danh mục kiểm soát và trích xuất thông tin pháp y”. Nghiên cứu này sẽ củng cố năng lực giám định hóa chất của OPCW và nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc các hóa chất nguy hiểm.

Tại Học viện Quân sự Hàn Quốc triển khai dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về độc tính và áp suất bay hơi của các hợp chất organophosphorus”. Kết quả mong đợi, mô hình AI sẽ hỗ trợ phân tích chính xác hơn, nâng cao khả năng phát hiện và lập kế hoạch triển khai nhiệm vụ thực địa. Qua đó giúp tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó và đảm bảo an toàn trong môi trường hóa chất độc hại.

Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ quốc phòng, Vương quốc Anh triển khai dự án “Sử dụng dữ liệu mã nguồn mở để phát triển công cụ AI có khả năng nhận diện hóa chất chuyên biệt từ dữ liệu khối phổ”. Nghiên cứu sẽ nâng cao năng lực giám định hóa chất của OPCW bằng việc so sánh với các mẫu tác nhân hóa học chiến tranh.

Các tổ chức sẽ tiến hành nghiên cứu trong suốt năm 2025 và nộp báo cáo vào cuối năm. Kết quả nghiên cứu sẽ được Ban Thư ký Kỹ thuật của OPCW xem xét nhằm xác định các ý tưởng và phương pháp khả thi có thể tiếp tục phát triển trong tương lai.

Bối cảnh chung:

Hội đồng Tư vấn Khoa học (SAB) là cơ quan thuộc OPCW, có chức năng hỗ trợ Tổng Giám đốc OPCW trong việc cung cấp tư vấn chuyên môn về khoa học và công nghệ cho Hội đồng Điều hành và các quốc gia thành viên. SAB nhận định rằng AI có thể mang lại nhiều triển vọng cho hoạt động của OPCW, góp phần sớm hiện thực hóa sứ mệnh về một thế giới không còn vũ khí hóa học.

OPCW là cơ quan thực thi Công ước Cấm Vũ khí Hóa học, với 193 quốc gia thành viên có chức năng giám sát nỗ lực toàn cầu nhằm loại bỏ vĩnh viễn vũ khí hóa học. Kể từ khi Công ước có hiệu lực năm 1997, đây là hiệp ước giải trừ quân bị thành công nhất nhằm loại bỏ toàn bộ một trong các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Vào năm 2023, OPCW xác nhận rằng toàn bộ kho dự trữ với tổng cộng 72.304 tấn tác nhân hóa học được 193 quốc gia khai báo từ năm 1997 đã bị tiêu hủy vĩnh viễn dưới sự giám sát nghiêm ngặt của OPCW.

Với những nỗ lực to lớn của mình trong việc giải trừ vũ khí hóa học, OPCW đã được trao Giải Nobel Hòa bình vào năm 2013.

Thanh Tùng – Trung tâm 81

 

 

Thống kê

  • 0
  • 2,841
  • 1,564,462

Cổng TTDT Chính phủ

Báo Quân đội nhân dân·