CƠ QUAN ĐẦU MỐI QUỐC GIA VIỆT NAM
VỀ PHÒNG, CHỐNG PHỔ BIẾN VŨ KHÍ HỦY DIỆT HÀNG LOẠT

CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC 81

Việt Nam – Hoa Kỳ hợp tác phòng chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt

Nhằm triển khai nghị định số 81/2019/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và thảo luận về cơ hội, định hướng hợp tác trong tương lai, hôm nay, tại trụ sở Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng đã diễn ra phiên họp trực tuyến giữa Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và Chương trình Kiểm soát xuất khẩu và An ninh Biên giới (EXBS) của Hoa Kỳ.

Tham dự phiên họp về phía Việt Nam có đại diện của cơ quan các Bộ Quốc phòng, Công thương, Khoa học và Công nghệ. Về phía Hoa Kỳ có Cố vấn khu vực, các chuyên gia của chương trình EXBS; đại diện phòng Hợp tác Quốc phòng của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và Bộ Năng lượng Hoa Kỳ.

Quang cảnh Hội thảo

Là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn tuân thủ Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các điều ước quốc tế, cơ chế đa phương về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt mà Việt Nam là thành viên. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2019/NĐ-CP về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đây là cơ sở pháp lý mang tính tổng hợp đầu tiên về lĩnh vực này, nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi phổ biến, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; kết hợp phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt với phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bộ Quốc phòng là Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam, Bộ Tư lệnh Hóa học là Cơ quan thường trực của Cơ quan đầu mối quốc gia về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Chương trình Kiểm soát xuất khẩu và An ninh Biên giới (EXBS) của Hoa Kỳ có nhiệm vụ ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và hoạt động buôn bán trái phép các loại vũ khí truyền thống để tăng cường an ninh cho nước sở tại. Chương trình này cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ tăng cường năng lực cho các cơ quan đối tác trên thế giới.

Tại phiên họp, hai bên đã giới thiệu về chức năng nhiệm vụ, các lĩnh vực hoạt động chính của mỗi cơ quan, thảo luận để tìm ra cơ hội hợp tác và vạch ra định hướng hợp tác trong thời gian tới. Trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực, như: tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực; hợp tác xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp luật liên quan; cơ chế chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, giới thiệu, tài trợ trang thiết bị kiểm soát phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt…

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu tham luận của Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt tại buổi Hội thảo.

Phần 1: Giới thiệu Tổng quan về Nghị định số 81/2019/NĐ-CP ngày 11/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (Nghị định số 81/2019/NĐ-CP)

Với mục đích hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, tuân thủ Nghị quyết 1540 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 28/4/2004, các điều ước quốc tế, các cơ chế đa phương về lĩnh vực phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt mà Việt Nam là thành viên. Ngày 11/11/2019, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 81/2019/NĐ-CP về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đây là cơ sở pháp lý mang tính tổng hợp đầu tiên về lĩnh vực phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Nghị định nêu rõ công tác phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý hành vi phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; kết hợp phòng, chống phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt với phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Nghị định bao gồm 6 Chương và 43 Điều, trong đó, quy định: Bộ Quốc phòng là Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và Bộ Tư lệnh Hóa học là Cơ quan thường trực của Cơ quan đầu mối quốc gia; Các Đơn vị đầu mối là ban chỉ đạo phòng chống khủng bố các bộ, ngành, địa phương. Nhiệm vụ của Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam, trách nhiệm của Bộ Quốc phòng được quy định rõ tại Điều 11, Điều 29 của Nghị định số 81/2019/NĐ-CP. Một số nhiệm vụ chính được quy định như sau:

Điều 11: Nhiệm vụ của Cơ quan đầu mối quốc gia

  1. Tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức, triển khai thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
  2. Nhận và triển khai, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện theo quy định của pháp luật, yêu cầu của các nghị quyết thuộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc theo quy định của Nghị định này.
  3. Tiếp nhận thông tin nghi ngờ liên quan đến hoạt động phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt từ các quốc gia, tổ chức quốc tế và bộ, ngành, địa phương báo cáo; phối hợp với Đơn vị đầu mối liên quan xác minh làm rõ và đề xuất phương án xử lý theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan hoặc nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và hướng dẫn Đơn vị đầu mối xử lý tài sản có liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;
  4. Tiếp nhận thông tin nghi ngờ về vật liệu liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt từ các quốc gia, tổ chức quốc tế và từ các bộ, ngành, địa phương báo cáo; phối hợp với Bộ Công an, Đơn vị đầu mối và các cơ quan, tổ chức liên quan xác minh làm rõ và đề xuất phương án xử lý.
  5. Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được thông qua tại Chương VII Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên liên quan đến phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
  6. Cho phép những tổ chức, cá nhân trong danh sách bị chỉ định được kiến nghị yêu cầu hủy niêm yết tại Đơn vị đầu mối hoặc thông báo cho những cá nhân hoặc tổ chức bị chỉ định kiến nghị trực tiếp với Cơ quan đầu mối quốc gia.
  7. Khi nhận được yêu cầu của quốc gia khác về việc xác định tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc không liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, thì chủ trì, phối hợp với các Đơn vị đầu mối liên quan xác minh, xem xét. Nếu có căn cứ hợp pháp để cho rằng tổ chức, cá nhân đó có liên quan hoặc không liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt thì đưa ra quyết định đưa hoặc không đưa tổ chức, cá nhân đó vào danh sách bị chỉ định và thông báo cho quốc gia có yêu cầu biết.
  8. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân thỏa mãn tiêu chí để xác định là tổ chức, cá nhân liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được ban hành trên cơ sở Chương VII Hiến chương Liên hợp quốc thì có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các Đơn vị đầu mối liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc đề nghị Liên hợp quốc và quốc gia có liên quan đưa tổ chức, cá nhân đó vào danh sách bị chỉ định.
  9. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân của Việt Nam bị quốc gia khác xác định là tổ chức, cá nhân liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt nhưng không phù hợp với tiêu chí quy định trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được ban hành trên cơ sở Chương VII Hiến chương Liên hợp quốc thì chủ trì, phối hợp với các Đơn vị đầu mối liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ có văn bản đề nghị Liên hợp quốc và quốc gia có liên quan đưa tổ chức, cá nhân đó ra khỏi danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định.
  10. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đánh giá rủi ro quốc gia về phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt 05 năm một lần;

Điều 29. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng

1. Trong quản lý nhà nước về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt:

a) Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan đầu mối quốc gia được quy định tại Điều 11 của Nghị định này;

b) Đề xuất với Chính phủ việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;

c) Chủ trì, phối hợp xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch, phương án, biện pháp phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm cả văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và danh mục vật liệu liên quan;

d) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch, phương án, biện pháp về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;

đ) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, các cơ quan, tổ chức có liên quan ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;

e) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện chế độ báo cáo, tổng kết về công tác phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; kiến nghị, đề xuất giải pháp liên quan đến phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;

g) Chủ trì thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;

h) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Trong tổ chức thực hiện phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

a) Phân công, bảo đảm trang bị cho lực lượng chống phổ biến WMD thuộc Bộ Quốc phòng được quy định tại điểm a, điểm b Điều 14 của Nghị định này;

b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống phổ biến WMD trên phạm vi toàn quốc theo quy định tại các Chương III và IV của Nghị định này; phối hợp với Bộ Công an tổ chức thực hiện phòng, chống phổ biến WMD thuộc phạm vi Bộ Công an quản lý;

c) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại các Chương III và IV của Nghị định này; phát hiện, điều tra, xử lý tổ chức, cá nhân phổ biến và tài trợ phổ biến WMD theo quy định của pháp luật;

d) Chỉ đạo cơ quan, đơn vị chức năng thuộc quyền quản lý thường xuyên cập nhật tình hình phát triển, phổ biến WMD trên thế giới, khu vực và trong nước; phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và chính quyền địa phương đánh giá rủi ro quốc gia, điều tra việc phổ biến và tài trợ phổ biến WMD trên lãnh thổ Việt Nam; tham mưu đề xuất về công tác phòng, chống phổ biến WMD để Chính phủ chỉ đạo thực hiện;

đ) Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật trong việc thực hiện các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về cấm phổ biến WMD, bao gồm cả việc kiện toàn lực lượng, nghiên cứu, sản xuất trang thiết bị phục vụ tác chiến và đảm bảo an ninh, an toàn; ứng phó kịp thời khắc phục sự cố, tình huống về WMD trên lãnh thổ Việt Nam và hợp tác quốc tế về phòng, chống phổ biến WMD.

Phần 2: Nội dung đề xuất hợp tác hỗ trợ thực hiện Nghị định số 81/2019/NĐ-CP.

Để thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ của Cơ quan đầu mối quốc gia; triển khai toàn diện, hiệu quả Nghị định số 81/2019/NĐ-CP; các nội dung hợp tác mang tính liên ngành, tuân thủ đầy đủ các quy định quốc tế và các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Sau khi xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, chúng tôi đề xuất một số nội dung hợp tác với Chương trình EXBS như sau:

  1. Tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;
  2. Tập huấn công tác điều tra, xác minh và biện pháp kiểm soát, ngăn chặn các hành vi phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó bao gồm các hoạt động điều tra tài chính có liên quan; Cơ chế chia sẻ thông tin về điều tra các hoạt động phổ biến, tài trợ phổ biến và các hành vi bất hợp pháp khác liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt;
  3. Hợp tác xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp luật liên quan đến hoạt động phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;
  4. Hỗ trợ hoàn thiện cơ sở pháp lý về khung hình phạt với hành vi phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; kiểm soát thương mại chiến lược liên quan đến phòng chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; xây dựng danh mục hàng hóa lưỡng dụng; công tác quản lý, kiểm soát hàng hóa lưỡng dụng;
  5. Hợp tác xây dựng và ban hành các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh đối với các cơ sở hóa chất, các cơ sở có hoạt động liên quan đến hàng hóa lưỡng dụng;
  6. Chia sẻ kinh nghiệm công tác quản lý, kiểm soát cửa khẩu và bảo đảm an ninh biên giới trên bộ, trên biển; giới thiệu, tài trợ trang thiết bị kiểm soát phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt./.

Quang Khánh

Thống kê

  • 0
  • 1,838
  • 438,292

Cổng TTDT Chính phủ

Báo Quân đội nhân dân·