CƠ QUAN ĐẦU MỐI QUỐC GIA VIỆT NAM
VỀ PHÒNG, CHỐNG PHỔ BIẾN VŨ KHÍ HỦY DIỆT HÀNG LOẠT

CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC 81

Việt Nam ủng hộ chống phổ biến và giải trừ vũ khí huỷ diệt hàng loạt

Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam trong ủng hộ chống phổ biến và giải trừ vũ khí huỷ diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hoá học.

Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại cuộc họp.

Ngày 3/6, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Hoa Kỳ, Hội đồng Bảo an (HĐBA) đã tiến hành biểu quyết và nhất trí (15/15 phiếu thuận) thông qua hai Nghị quyết liên quan đến tình hình Sudan và Libya. Ngay sau đó, HĐBA đã họp định kỳ về vấn đề vũ khí hoá học tại Syria.

Nghị quyết 2578 quyết định gia hạn các biện pháp được quy định tại Nghị quyết 2292 (2016) của HĐBA đến ngày 3/6/2022, trong đó cho phép các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, thông qua các tổ chức khu vực, trên cơ sở tham vấn phù hợp với Chính phủ Libya, tiến hành kiểm tra trên các vùng biển quốc tế (không bao gồm vùng biển thuộc chủ quyền của Libya) đối với các tàu đến và rời Libya nếu có căn cứ hợp lý để tin rằng các tàu này đang chở vũ khí hoặc vật liệu liên quan vi phạm các nghị quyết của HĐBA.

Nghị quyết 2579 quyết định gia hạn nhiệm vụ của Phái bộ Hỗ trợ chuyển tiếp hợp nhất của Liên hợp quốc tại Sudan (UNITAMS) đến ngày 3/6/2022 và giữ nguyên 4 nhóm nhiệm vụ trụ cột chính của Phái bộ, gồm hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp chính trị và quản trị nhà nước, triển khai Thỏa thuận Hòa bình ngày 3/10/2020, hỗ trợ xây dựng hòa bình, huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế và công tác nhân đạo.

Nghị quyết cũng cho phép UNITAMS hỗ trợ triển khai các mục tiêu chiến lược của Chính phủ Sudan, trong đó có xây dựng Hiến pháp mới, giám sát ngừng bắn ở Darfur, đàm phán hòa bình giữa Chính phủ và các nhóm vũ trang và thực hiện Kế hoạch quốc gia về Bảo vệ thường dân.

Tại cuộc họp về vấn đề vũ khí hoá học tại Syria, HĐBA đã nghe Phó Tổng Thư ký kiêm Đại diện cấp cao về giải trừ quân bị của Liên hợp quốc Izumi Nakamitsu và Tổng Giám đốc Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học (OPCW) Fernando Arias báo cáo cập nhật tình hình.

Các đại diện tập trung trao đổi về vấn đề điều tra các cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria, hợp tác kỹ thuật giữa Ban Thư ký OPCW và Syria trong giải quyết các khác biệt liên quan tới Khai báo ban đầu của Syria theo quy định của Công ước Cấm Vũ khí hoá học (CWC).

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam trong ủng hộ chống phổ biến và giải trừ vũ khí huỷ diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hóa học. Đại sứ Phạm Hải Anh chia sẻ quan ngại chung của HĐBA về các thông tin cáo buộc việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria; nhấn mạnh việc cần duy trì hợp tác chặt chẽ và liên tục giữa Ban Thư ký OPCW và Syria trong thúc đẩy triển khai CWC và giải quyết mọi bất đồng, cũng như các vấn đề tồn đọng. Bên cạnh đó, Đại sứ Phạm Hải Anh kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hợp tác và đối thoại mang tính xây dựng nhằm hỗ trợ tìm giải pháp lâu dài cho vấn đề Syria.

Cũng trong chiều 3/6, HĐBA Liên hợp quốc thảo luận về tình hình tàu chở dầu FSO Safer ngoài khơi Yemen. Bà Inger Andersen, Tổng Giám đốc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và bà Reena Ghelani, Giám đốc bộ phận ủng hộ và triển khai thực địa của Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) đã báo cáo tại cuộc họp. Các báo cáo viên nhắc lại thông tin về việc tàu Safer bị bỏ ngoài khơi thành phố Houdaydah (Yemen), không được sửa chữa, bảo trì định kỳ từ khi nằm dưới sự kiểm soát của Ansar Allah tại Yemen từ năm 2015 đến nay.

Các đại diện của Liên hợp quốc cảnh báo về nguy cơ thảm hoạ môi trường ở Biển Đỏ và khu vực xung quanh cũng như thảm hoạ nhân đạo đối với hàng chục triệu người dân Yemen nếu xảy ra sự cố tràn dầu và vụ nổ trên tàu Safer.

Các báo viên cho rằng bên cạnh thiệt hại về kinh tế, các sự cố xảy ra sẽ khiến các cảng ở Houdaydah và Taiz đóng cửa, dẫn đến giá cả leo thang, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của người dân. Các báo cáo viên cũng chia sẻ thông tin về các nỗ lực đàm phán vừa qua và kêu gọi Ansar Allah sớm cho phép Nhóm chuyên gia kỹ thuật của Liên hợp quốc tiếp cận tàu Safer để thực hiện nhiệm vụ đánh giá và sửa chữa khẩn cấp nếu cần thiết.

Phát biểu tại cuộc họp, Tham tán Công sứ Nguyễn Phương Trà, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc chia sẻ với những quan ngại của các nước thành viên HĐBA Liên hợp quốc về vấn đề tàu Safer và cho rằng Nhóm chuyên gia của Liên hợp quốc phải được thực hiện nhiệm vụ trên tàu Safer ngay lập tức và không hạn chế về thời gian.

Đại diện Việt Nam thúc giục các bên liên quan hợp tác, đối thoại để giải quyết các khác biệt, đồng thời, nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm hỗ trợ tài chính để Nhóm chuyên gia Liên hợp quốc có thể hoạt động và thực hiện nhiệm vụ được giao.

Việt Nam kêu gọi tất cả các bên liên quan chấm dứt các hoạt động quân sự thù địch, chấp nhận đề xuất của Liên hợp quốc, đặc biệt là một lệnh ngừng bắn ở Yemen, cũng như hợp tác để tìm ra giải pháp bền vững nhằm chấm dứt xung đột ở Yemen.

Thống kê

  • 0
  • 2,044
  • 453,160

Cổng TTDT Chính phủ

Báo Quân đội nhân dân·